Chiều 22/4, tại TP Sầm Sơn, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc (ĐBDT) Mông, tỉnh Thanh Hóa năm 2024.
Dự hội thảo có đại diện thường trực Huyện ủy, UBND, Ban Dân vận Huyện ủy: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa; trưởng khối dân vận 10 xã có đồng bào Mông, người uy tín 44 bản người Mông trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo đã đánh giá kết quả công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của Trung ương, của tỉnh và địa phương đến ĐBDT Mông trên địa bàn tỉnh trong những năm qua; kết quả thực hiện các tiêu chí hàng năm về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho ĐBDT Mông; về xây dựng đội ngũ cán bộ; về đảm bảo quốc phòng – an ninh theo tinh thần Kết luận số 684-KL/TU ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Toàn cảnh hội thảo.
Theo tổng hợp của Ban Dân vận Tỉnh ủy, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, các đoàn thể ở 10 xã vùng ĐBDT Mông đã xây dựng và phát huy được 40 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa mới. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm trên 7,5%. Đã có 35/44 bản vùng ĐBDT Mông có và sử dụng hiệu quả nhà văn hóa bản, đạt 79,55%; 57/217 (chiếm 26,3%) cán bộ, công chức của các xã có đồng bào Mông giao tiếp được bằng tiếng Mông. Đã vận động 100% đồng bào Mông không di cư tự do, không tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật…
Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát Triệu Minh Xiết tham luận tại hội thảo.
Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn một số hạn chế, như: Nhận thức trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện kết luận của một số cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cấp xã có đồng bào Mông chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc Mông hiện nay còn khó khăn; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ làm công tác chính sách còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Kinh tế – xã hội vùng ĐBDT Mông vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách về mức sống, thu nhập còn thấp so với các dân tộc khác…
Phó Bí thư Huyện ủy Quan Hóa Hà Văn Thủy tham luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, các tham luận đã tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, những hạn chế, yếu kém; chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác dân vận vùng ĐBDT Mông thời gian qua. Đồng thời, từ thực tiễn công tác, các tham luận cũng đã đề xuất các phương thức, giải pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận vùng ĐBDT Mông. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận chính quyền cơ sở; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể; người có uy tín đối với công tác dân vận vùng ĐBDT Mông. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của khối dân vận và tổ dân vận; đảm bảo an ninh trật tự, an ninh tôn giáo, an ninh biên giới trong vùng ĐBDT Mông hiện nay và tham mưu kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ; quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ khối dân vận và tổ dân vận trong vùng ĐBDT Mông hoạt động hiệu quả…
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Trọng Dũng phát biểu kết luận hội thảo.
Đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận, chú trọng tuyên truyền hiệu quả chính sách, hỗ trợ của Nhà nước đến vùng ĐBDT Mông. Bên cạnh đó, cần tích cực thực hiện công tác dân vận cơ sở, đặc biệt phát huy tinh thần đại đoàn kết, thực hiện giải pháp tập trung phát triển kinh tế, giảm khoảng cách về mức sống, thu nhập còn thấp so với các dân tộc khác. Tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng quy ước, hương ước làng bản và phát huy vai trò của người uy tín trong ĐBDT Mông…
Phan Nga