Không chỉ phát triển sản xuất cho hiệu quả cao, mà một số trang trại tổng hợp trên địa bàn phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) còn vận hành theo hướng tuần hoàn, không còn rác thải ra ngoài. Đây chính là hướng sản xuất hạn chế thấp nhất đến ảnh hưởng môi trường mà ở nhiều nơi trong và ngoài nước đã và đang thực hiện.
Trang trại chuyên canh hoa, kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi của anh Nguyễn Hữu Hồng ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) hầu như không phát sinh rác thải ra ngoài.
Hơn 10 năm ra khởi nghiệp ở xứ đồng Hang Cá, anh Nguyễn Hữu Hồng ở phố 1, phường Đông Cương đã hình thành nên khu trang trại tổng hợp trù phú. Đó là kết quả của việc thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy phường về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi ấy, gia đình anh đã tự tích tụ đất đai và đấu thầu theo chủ trương chung để có khu sản xuất hơn 9.800m2. So với nhiều trang trại khác, diện tích chưa đầy 1 ha này là khá khiêm tốn, song chủ nhân đã sớm lựa chọn những cây, con phù hợp để có thu nhập cao nhất.
“Từ nhiều năm nay, tôi luôn dành 6 sào để trồng hoa. Từ các luống hoa được thâm canh cao, mỗi năm trồng xoay vòng tới 3 vụ, chủ yếu là hoa cúc để cung ứng cho thị trường. Gia đình còn phải thuê 5 lao động kỹ thuật để chăm sóc hoa quanh năm”, ông Hồng chia sẻ.
Trong trang trại, anh còn đào ao 5.000 m2 để nuôi cá. Ven trang trại, dọc các tuyến đường đi và diện tích còn lại được anh khéo léo bố trí trồng cây ăn quả như mít, na, chanh, bưởi, dừa… để phủ xanh toàn khu sản xuất, tận dụng tối ưu quỹ đất. Những hàng đu đủ, các luống rau nhỏ được trồng xen để phục vụ nhu cầu tại chỗ của gia đình. Hoạt động chăn nuôi cũng được triển khai đồng thời với các đàn gà, đàn dê và một số lợn thịt.
Phụ phẩm từ hoạt động trồng trọt anh dành cho chăn nuôi. Cỏ quanh trang trại được các lao động thường xuyên cắt cho cá. Các chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý, trở thành nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Đến gốc và thân hoa thừa sau mỗi lứa thu hoạch cũng được gia chủ thu gom để ủ thành chất mùn, cung cấp dinh dưỡng cho cây. Nhìn chung, việc tận dụng khá triệt để các nguồn phụ phẩm nên trang trại hầu như không có rác thải ra ngoài. Vấn đề môi trường ở đây được xử lý tốt, trở thành mẫu hình cho nhiều chủ trang trại trong vùng đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Ở khu vực Đồng Ngạt cũng thuộc phường Đông Cương còn một trang trại khác thật trong lành và xanh mát chẳng khác nào khu sinh thái nhỏ. Với chưa đầy 0,7 ha, chủ trang trại là ông Lê Thanh Bình ở khu phố 7 đã tìm cho mình hướng đi riêng là nuôi ốc nhồi và trồng cây ăn quả. Từ năm 1999, sau khi xuất ngũ về quê, ông đã đấu thầu 3.500m2 theo lời kêu gọi của địa phương. Tiếp tục tự dồn đổi để mở rộng diện tích trong các năm sau đó, ông đã có khu sản xuất 6.900m2 như hôm nay. Vốn là khu vực đất lúa trũng thấp hay ngập úng, ông đã đào các ao nuôi ốc nhồi chạy song song khu sản xuất với tổng diện tích hơn 2.500m2. Ngay trên các ao là những giàn bầu, bí, mướp, su su quanh năm phủ xanh. Giữa các ao nuôi được bố trí trồng thanh long, ổi găng… Nhiều diện tích còn lại là các luống rau màu được canh tác gối lứa.
Do thức ăn của ốc nhồi rất phong phú – là các loại rau màu thừa, các loại hoa quả bán không hết đều được tận dụng. Số lượng cả chục tấn ổi mỗi năm, nhưng ông không bị áp lực đầu ra, bởi nếu bán không hết sẽ được tận dụng. Tương tự là các sản phẩm bầu, mướp, su su và rau các loại cũng đều được tận dụng hết.
Quan sát tại các ao, nước đều trong xanh bởi con ốc không thải ra nhiều chất gây ô nhiễm, lại có chức năng lọc nước. Hệ thống cây ăn quả nhiều năm tuổi tỏa bóng mát và phủ màu xanh quanh khu sản xuất. Theo khẳng định của ông Bình: “Các khâu sản xuất ở đây được triển khai hoàn toàn theo hướng hữu cơ đúng nghĩa. Bởi thức ăn của ốc hoàn toàn là những thứ từ tự nhiên. Trên thực tế, con ốc nhồi rất nhạy cảm, nếu phun thuốc trừ sâu cho các luống rau ở gần đó thì ốc cũng chết nên phải hoàn toàn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn”.
Để có thêm thu nhập, gia đình ông xây dựng khu chuồng 40m2 để duy trì đàn lợn thịt khoảng 15 con. Nguồn chất thải chăn nuôi được ủ hoai mục, bón cho cây trồng nên hầu như không phải dùng phân bón hóa học như nhiều nơi. Nhìn chung, các khâu sản xuất đều phục vụ lẫn nhau theo chu trình khép kín, hầu như không phát sinh rác thải phải đưa ra ngoài. Tuy tuân thủ sản xuất sạch theo hướng hữu cơ và hạn chế tối đa rác thải, nhưng trang trại vẫn có doanh thu từ 1 đến 1,3 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận trung bình khoảng 500 triệu đồng.
Thông tin từ Hội Làm vườn và Trang trại phường Đông Cương, hiện trên địa bàn phường có nhiều mô hình sản xuất trang trại, gia trại cũng tuân theo hướng sản xuất hữu cơ và hạn chế tối đa rác thải. Có thể kể đến mô hình sản xuất của các ông: Nguyễn Hữu Thuận ở phố 1; Lê Văn Quang, Lê Hồng Hường, Đàm Văn Quế ở phố 2; Lê Tiến Lợi ở phố 3… Đây là hướng sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng, vừa cho sản phẩm sạch, vừa bảo vệ môi trường sinh thái. Đông Cương là phường ven đô, các mô hình sản xuất theo hướng này lại càng trở nên quan trọng với yêu cầu phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Linh Trường