Những năm gần đây, trong quá trình lựa chọn, phát triển các sản phẩm đặc trưng, cây Quýt Hoi đã được huyện Bá Thước quan tâm phục tráng. Đến nay, cây Quýt Hoi trên địa bàn huyện được trồng chủ yếu trên núi cao tại các xã Thành Lâm, Thành Sơn. Cây thường cho quả vào mùa đông – xuân (từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 1 năm sau).
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Phùng Tố Linh trao giải nhất cho nhóm tác giả với dự án khởi nghiệp trà Quýt Hoi tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ X” năm 2022.
Đặc điểm của Quýt Hoi là mọc tự nhiên trong rừng, trên sườn núi cao, tại các bản xa của huyện Bá Thước. Quýt Hoi có tên tiếng Thái cổ là Pén Hoi, ở khu vực Pù Luông gọi là Nghia Hoi. Cả “Pén và Nghia” đều được dịch là Quýt, Hoi dịch là Ốc. Gọi là Quýt Ốc.
Quả Quýt Hoi ăn chua hơn các loại quýt khác, nhưng có hương vị thơm đặc biệt. Khi ăn người ta cảm nhận đậm lưỡi, mát họng, thông mũi, sảng khoái. Người vùng cao thường dùng vỏ Quýt Hoi làm trà uống, để chữa bệnh ho, hen…
Từ những tác dụng của Quýt Hoi, nhóm tác giả Đào Ngọc Bình cùng 2 cô gái dân tộc Mường là Hà Thanh Nhàn, Hà Hồng Nhung ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã triển khai thực hiện dự án khởi nghiệp trà Quýt Hoi. Đây cũng là dự án xuất sắc vượt qua 139 ý tưởng để giành giải nhất tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ X” năm 2022.
Đặc biệt, nhóm tác giả cũng đã thành lập Công ty TNHH Puluong Cuisine (Tinh hoa ẩm thực Pù Luông) để thu mua, sản xuất Quýt Hoi thành những sản phẩm độc đáo như trà, siro, nước tẩy rửa…
Mong muốn của nhóm tác giả chính là không những tạo ra một mô hình khởi nghiệp cho bản thân mà còn góp phần giữ gìn, phát huy nét đặc sắc trong văn hóa, ẩm thực, gắn với du lịch để quảng bá hình ảnh quê hương Bá Thước đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, phát triển sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây bằng chính sản phẩm đặc trưng của quê hương mình.
Theo chia sẻ của đại diện nhóm tác giả tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”, để làm được sản phẩm trà Quýt Hoi thì quả Quýt Hoi sau khi được thu mua tại các thôn, bản sẽ phải trải qua hàng loạt khâu sơ chế ban đầu. Vỏ quýt sau khi tách được đưa vào lò sấy ở nhiệt độ 60 độ C cho se bề mặt, rồi đưa vào máy cắt sợi và tiếp tục đưa vào sấy ở nhiệt độ thấp để đạt tiêu chuẩn về độ ẩm nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc, tinh dầu và hương vị trọn vẹn.
Bên cạnh vỏ làm trà, nước quýt cũng được sử dụng làm sirô trị ho, cảm cúm, tăng sức đề kháng. Bã quýt và những quả không đạt tiêu chuẩn được chế biến thành các sản phẩm tẩy rửa hoàn toàn từ thiên nhiên, không độc hại. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm trà Quýt Hoi cũng đã được Công ty TNHH Puluong Cuisine lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP năm 2022. Mô hình khởi nghiệp này cũng đã và đang tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ ý tưởng khởi nghiệp độc đáo và sự dám nghĩ, dám làm của những thanh niên sinh ra, lớn lên ở vùng đất Bá Thước đã biến Quýt Hoi trở thành thứ quà không thể thiếu cho những khách thập phương đến Pù Luông du lịch. Đặc biệt, với lợi thế từ cây Quýt Hoi, người dân Bá Thước đã và đang nhân rộng mô hình trồng quýt, nâng cao hiệu quả sản xuất từ cây sản vật đặc trưng của quê hương; các thế hệ trẻ của vùng núi Bá Thước lớn lên cũng có thể tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nhân rộng mô hình sản xuất, làm giàu trên chính quê hương mình…
Bài và ảnh: Phương Lệ