Chiều 28/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (2009 – 2023)”, sau đây gọi tắt là Đề án.
Điểm cầu Thanh Hóa.
Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Văn Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị Trung ương. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Trung ương đến các tỉnh, thành trên cả nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lại Thế Nguyên dự và chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Thanh Hóa. Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Trưởng Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn, MTTQ và đoàn thể các huyện, thị xã, thành phố; báo cáo viên cấp tỉnh.
Đại biểu các sở, ngành, cơ quan của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án từ năm 2009 đến năm 2023. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2009-2023, Đề án đã cung cấp gần 593 đầu sách, với tổng số 14.408.340 bản in về cơ sở. Sách của Đề án có nội dung phong phú, thiết thực, bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học. Sách biên soạn có tính chất cẩm nang, nhiều cuốn được trình bày dưới dạng hỏi – đáp dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, nội dung cập nhật thông tin mới, tiện tra cứu và phù hợp với đối tượng người đọc là cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân ở cơ sở.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Cụ thể là các đầu sách học tập, nghiên cứu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các hội nghị Trung ương Đảng; sách trang bị kiến thức về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở; sách về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền biên giới, hải đảo; sách hướng dẫn kỹ năng lãnh đạo, điều hành của cán bộ cấp xã, hoạt động của trưởng thôn, tổ dân phố; sách phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu; sách trang bị cho vùng đồng bào các dân tộc với các kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…
Điểm cầu Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020, thư viện điện tử đã ra mắt phục vụ bạn đọc; đến nay đã có hơn 729.000 lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân truy cập để đọc, tra cứu, học tập trực tiếp. Đây là sự đổi mới về hình thức sách để phù hợp với những thay đổi trong thói quen của cán bộ, đảng viên và sự phổ biến của các thiết bị di động được sử dụng để cập nhật thông tin, tri thức hàng ngày.
Đại biểu tham luận tại điểm cầu Trung ương.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao hiệu quả của Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn”. Sách của Đề án là những tài liệu bổ ích, cần thiết góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, học tập của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
Đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bình Dương tham luận tại hội nghị.
Các đại biểu cũng trao đổi, đề xuất các giải pháp để tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” trong thời gian tới.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Đề án “Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn” có ý nghĩa hết sức quan trọng hướng mạnh về cơ sở, nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cũng như của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nội dung sách của Đề án bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học, cập nhật những thông tin mới nhất, được biên soạn có tính chất cẩm nang, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng phù hợp với đối tượng đọc là cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thông qua đó, nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng trong công tác quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, trong lao động sản xuất của Nhân dân; củng cố niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái hành động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Nhấn mạnh về quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và tầm quan trọng của Đề án. Từ đó, tiếp tục tổ chức thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về triển khai Đề án. Tăng cường nắm bắt nhu cầu của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch xuất bản phù hợp về đề tài, số lượng; nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, tính hấp dẫn của sách, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả của Đề án.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị tập trung triển khai xây dựng thư viện điện tử sách của Đề án bảo đảm đồng bộ với sách giấy, cập nhật thường xuyên nội dung sách mới, thuận lợi, dễ tra cứu trên mạng internet. Bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng phòng đọc sách, trang thiết bị phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, sử dụng sách, đồng thời với việc tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện Đề án, trong đó chú trọng phát hiện, biểu dương và đề nghị nhân rộng những mô hình tốt, sáng tạo trong công tác quản lý, nghiên cứu, học tập sách của Đề án.
Tại hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao tặng Bằng khen cho 11 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai Đề án.
Trần Thanh