Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ tỉnh, từ ngày 15/4/2024 đến ngày 30/5/2024, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận trên 4,6 tỷ đồng ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vào tài khoản Quỹ “Vì người nghèo”.
Công đoàn cơ sở Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo tại huyện Thiệu Hóa.
Một số đơn vị đã kêu gọi ủng hộ số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng như: Tập đoàn Tiên Sơn 160 triệu đồng, Công ty TNHH Một thành viên Thuốc lá Thanh Hóa 160 triệu đồng, Công đoàn Viễn Thông Thanh Hóa 150 triệu đồng, Văn phòng Sở Công Thương 151 triệu đồng, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Mạnh Cường 160 triệu đồng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên 126 triệu đồng…
Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tích cực triển khai cuộc vận động và đạt được nhiều kết quả như Công đoàn cơ sở Agribank chi nhánh Thanh Hóa 200 triệu đồng, Công đoàn cơ sở Agribank chi nhánh Bắc Thanh Hóa, Công đoàn cơ sở Agribank chi nhánh Nam Thanh Hóa mỗi chi nhánh 150 triệu đồng…
Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ cho tỉnh Thanh Hóa 10 tỷ đồng; ngân hàng Quân đội ủng hộ huyện Quan Sơn 8 tỷ đồng…
Hiện, Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung hướng dẫn Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, tham mưu sử dụng nguồn kinh phí ủng hộ của tập thể, cá nhân đảm bảo theo quy định.
Trước đó, ngày 30/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở…
Để hỗ trợ làm nhà ở đúng đối tượng, Ban Chỉ đạo cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 đã ban hành hướng dẫn tiêu chí rà soát, bình xét hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở.
Đối tượng hộ gia đình được hỗ trợ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Hỗ trợ các đối tượng đã được thụ hưởng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (các hộ đã được giao kinh phí làm nhà) để hoàn thành công trình, tránh lãng phí nguồn lực của Trung ương. Các hộ trong đối tượng thực hiện Quyết định số 4845 ngày 1/12/2021 phê duyệt Đề án “sắp xếp, ổn định dân cư khu vực nguy cơ cao xẩy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2021- 2025”. Các hộ trong đối tượng thực hiện Chỉ thị số 22, gồm hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở.
Đối với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo thứ tự ưu tiên về hiện trạng nhà ở như: Hộ có danh sách trong quyết định phê duyệt hỗ trợ nhà ở của UBND cấp huyện, UBND tỉnh. Hộ có nhà ở nhưng đã bị hư hỏng, đổ sập, không thể sử dụng được. Hộ có nhà ở tạm, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn. Hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội hoặc tổ chức xã hội khác nhưng đến nay đã hư hỏng, dột nát, không đảm bảo an toàn và hộ chưa có nhà ở do tách hộ.
Để hoàn thành mục tiêu vận động, hỗ trợ xây dựng được 5.000 căn nhà trở lên cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024-2025, dự kiến cuộc vận động sẽ được chia thành 2 đợt, đợt 1 từ tháng 4/2024 đến tháng 9/2024, đợt 2 từ tháng 1/2025 đến tháng 4/2025.
Mức vận động cũng đã được quy định cụ thể. Đối với các hộ gia đình có mức sống trung bình trở lên ở các huyện, thị xã, thành phố thì mức vận động tối thiểu là 100.000 đồng/hộ/năm. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tối thiểu 1 ngày lương/năm hoặc 1 ngày thu nhập/năm. Bình quân chung mức vận động các doanh nghiệp là 5 triệu đồng/năm, các doanh nghiệp lớn phấn đấu mức ủng hộ tối thiểu 80 triệu đồng/doanh nghiệp. Ban Chỉ đạo cũng đã quy định mức hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hộ còn khó khăn về nhà ở, hộ gia đình chính sách là 80 triệu đồng/hộ.
Trần Hằng