30 tuổi xuân, liệt sĩ Tô Vĩnh Diện (1924-1954) đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước, là tấm gương sáng cho lớp lớp các thế hệ thanh, thiếu niên noi theo.
Phần mộ liệt sĩ Tô Vĩnh Diện tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.
Sau 70 năm kể từ ngày Anh hùng Tô Vĩnh Diện gửi máu xương mình trên mảnh đất Điện Biên, chúng tôi thêm một lần nữa trở về xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn để nghe lại những câu chuyện, gặp gỡ những người thân của anh. Gọi là “anh” có thể không còn hợp lý nữa, nhưng đại từ này chỉ nhằm thể hiện sự tin yêu về tinh thần tuổi trẻ, dám quên tuổi thanh xuân và sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
…Ngược dòng thời gian, đó là năm 1946, Tô Vĩnh Diện tham gia dân quân địa phương, đến tháng 7/1949 anh xung phong nhập ngũ. Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị cao xạ chuẩn bị cho đánh lớn, Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng đơn vị pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta đã kéo pháo vào trận địa bằng tay để chuẩn bị tiêu diệt tập đoàn cứ điểm theo phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh”. Căn cứ vào tình hình lúc bấy giờ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta lại kéo pháo ra.
Việc kéo pháo vào rất gian nan và vất vả, hoàn toàn dùng bằng sức người, có đoạn phải vượt qua những dãy núi cao như núi Pu Pha Sông cao 1.150m, với độ nghiêng từ 60 đến 70 độ. Vì đường kéo pháo nằm trong tầm bắn của địch, liên tiếp có những trận mưa bom bão đạn nên việc kéo pháo của ta chỉ thực hiện vào ban đêm. Và kéo pháo ra lại càng gay go ác liệt và gian khổ hơn. Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối – một con dốc cao, đường hẹp và cong rất nguy hiểm. Tô Vĩnh Diện và đồng chí Ty đã xung phong lái pháo. Nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo xuống thẳng đường. Một trong bốn dây kéo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối. Trước hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh, quyết bảo vệ pháo” và đồng chí buông tay lái xông lên trước, lấy thân mình chèn bánh xe pháo. Pháo bị vướng, nghiêng dựa vào sườn núi, nhờ đó đơn vị kịp ghìm giữ pháo dừng lại. “Dù sức cạn nhưng môi anh mấp máy trong hơi thở thì thào đủ để một người em như tôi hiểu “Pháo có còn không?”. Tôi bảo: Anh ơi… anh ơi…! Pháo an toàn rồi. Cận kề cái chết, chàng trai trẻ Tô Vĩnh Diện vẫn chỉ nghĩ đến giữ được pháo (theo lời kể của Ðại tá Trần Quốc Chân, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 8, người trực tiếp chỉ huy Khẩu đội Tô Vĩnh Diện).
Pháo được cứu nhưng anh thì đã nằm xuống trên con đường kéo pháo huyền thoại, lúc đó là 2h30 ngày 1/2/1954 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Tỵ).
Câu chuyện ấy, chính anh Tô Vĩnh Châu (sinh năm 1973) đã được nghe kể nhiều lần: Tôi là cháu của bác Tô Vĩnh Diện. Khi còn sống, bố tôi thường kể về những ngày đi chiến dịch Điện Biên. Mỗi lần kể đến sự hy sinh của bác Diện, bố tôi không kìm được nước mắt. Mặc dù cùng ở Điện Biên nhưng bố đã không được chứng kiến đám tang của anh trai mình. Đám tang bác được đồng đội âm thầm tổ chức trong rừng vắng vì chiến dịch chưa mở màn, phải giữ bí mật cho những con đường kéo pháo”.
Dù không được gặp bác mình, nhưng qua những câu chuyện kể của mọi người trong gia đình anh càng tự hào hơn. “Trong gia đình tôi, ngoài bác Tô Vĩnh Diện, còn có bác Tô Vĩnh Mạo và bố tôi là Tô Vĩnh Kiện cùng là bộ đội Điện Biên. Ông nội tôi tên là Tô Vĩnh Uy và bác cả tôi, Tô Vĩnh Nghi cùng đi dân công hỏa tuyến”. Mỗi câu chuyện về ông tôi, các bác, các chú là những trang sử vàng của dòng họ nói riêng và của dân tộc nói chung”.
Không một nén hương trên nấm mồ, không một tiếng súng vĩnh biệt, nhưng chuyện của chàng thanh niên Tô Vĩnh Diện hơn rất nhiều lời hiệu triệu, hay câu khẩu hiệu. Tấm gương hy sinh cứu pháo của anh Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập noi theo. Ngay trong đơn vị, các đồng chí, đồng đội đã theo gương anh vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Tại nhà ông Nguyễn Duy Vân, 99 tuổi ở thôn 4, cùng xã. Chúng tôi được ông Vân kể chuyện về 2 lần ông và Tô Vĩnh Diện gặp nhau trên chiến hào. “Là người làng trên làng dưới, gặp nhau trên Điện Biên, khi được giới thiệu chúng tôi mừng lắm. Ở nơi rừng heo hút ấy, 2 lần gặp nhau dẫu chưa nói được nhiều chuyện song chỉ cần nhìn thấy người cùng quê là ấm áp. Nghe tin Tô Vĩnh Diện hy sinh, tôi bật khóc, thương cậu ấy nhưng cũng hãnh diện vô cùng. Người quê mình, thật dũng cảm”. Những năm tháng đó, ông Nguyễn Duy Vân là bộ đội thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
Tô Vĩnh Diện trở thành một hình ảnh, một biểu tượng đẹp trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay tại mặt trận, đồng chí Tô Vĩnh Diện được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Hai năm sau giải phóng Điện Biên, ngày 7/5/1956, đồng chí Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và trở thành người anh hùng pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên đến mảnh đất Điện Biên, dù đã quá quen với những trang sử viết về Sở chỉ huy Mường Phăng, hầm Đờ-cát, đồi A1, các nghĩa trang… song đứng giữa khung cảnh núi rừng Điện Biên, xem từng thước phim, ngắm nhìn từng bức ảnh trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi phần nào hiểu được về “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của quân và dân ta, tất cả để có một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhìn chiếc bát sắt, bi đông đựng nước và con dao rựa từng gắn bó với “anh” Tô Vĩnh Diện vẫn được bảo quản cẩn thận, chúng tôi càng tự hào về những người con xứ Thanh đã để lại máu xương trên miền đất nơi biên viễn của Tổ quốc.
Đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, nơi thi hài của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện và 643 đồng đội của “anh” còn nằm lại với mảnh đất Điện Biên yêu dấu, chúng tôi thắp những nén hương thơm lên các phần mộ và nghiêng mình trước anh linh của họ. 70 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần Điện Biên, những tấm gương anh dũng vẫn còn đó.
Bài và ảnh: Kiều Huyền