Trên cơ sở kế thừa và phát huy mục tiêu, sứ mệnh đã đề ra; thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tài chính vi mô (TCVM), TCVM Thanh Hóa đã xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với năng lực của tổ chức, nhu cầu của thị trường, khách hàng, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Cán bộ IT của TCVM Thanh Hóa xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thông tin đến các phòng giao dịch trong tổ chức.
Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020 về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, TCVM nói chung không chỉ là dịch vụ tài chính đơn thuần mà là công cụ phát triển của người nghèo. TCVM được xem như một trụ cột quan trọng hướng tới phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế Việt Nam toàn diện, bền vững.
Là 1 trong 4 tổ chức TCVM trong cả nước được cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã thực hiện các hoạt động trong chuỗi các hoạt động xây dựng chiến lược hoạt động của tổ chức đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo bám sát chiến lược phát triển ngành TCVM, ngành ngân hàng, chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của Tổ chức TCVM Thanh Hóa.
Trong suốt 25 năm hình thành và phát triển, Tổ chức TCVM Thanh Hóa luôn kiên định mục tiêu, sứ mệnh, tận tâm mang sản phẩm vốn vay TCVM tới các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp trên mọi vùng miền của tỉnh Thanh Hóa; tuyên truyền, vận động hàng chục ngàn phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ nguồn vốn vay ấy đã tạo động lực, điểm tựa mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước ổn định và cải thiện kinh tế gia đình, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng; góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Đến nay, TCVM Thanh Hóa hoạt động với 4 chi nhánh và 11 phòng giao dịch tại 19 huyện, thị xã trong tỉnh, địa bàn hoạt động tại 227 xã, phục vụ 52,7 nghìn khách hàng, trong đó có gần 20 nghìn khách hàng tham gia vay vốn. Tính đến tháng 7-2023, tổng dư nợ đạt 456,8 tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ khách hàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý, Tổ chức TCVM Thanh Hóa có nhiều đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp tiếp cận, tổ chức kênh phân phối. Bên cạnh phương pháp tiếp cận truyền thống là cán bộ TCVM trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng hoặc thông qua hội LHPN, chính quyền địa phương. TCVM Thanh Hóa ứng dụng công nghệ (qua máy tính bảng, điện thoại smartphone) để đăng ký thông tin khách hàng vay vốn thông qua phân hệ phần mềm CCS và app tiết kiệm online để giao dịch với khách hàng gửi tiết kiệm ngay tại nhà văn hóa thôn với mức tiền gửi nhỏ nhất, khách hàng có thể gửi thường xuyên mà không mất chi phí đi lại.
Song song với đó, TCVM Thanh Hóa phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện. Các sản phẩm dịch vụ chính hiện nay là: Vốn vay vi mô, sản phẩm tiết kiệm, sản phẩm bảo hiểm vi mô. Bên cạnh đó, TCVM Thanh Hóa nỗ lực đẩy mạnh phát triển các loại sản phẩm, dịch vụ tài chính linh hoạt, phù hợp với đối tượng khách hàng (hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, phụ nữ, doanh nghiệp siêu nhỏ) ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Thời gian qua, TCVM Thanh Hóa chú trọng việc mở rộng địa bàn hoạt động ra các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi tại các huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Như Thanh… Tính đến nay, khách hàng là người dân tộc thiểu số chiếm 11,8% tổng số khách hàng vay vốn của TCVM Thanh Hóa. Đây là một trong những nỗ lực lớn nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện trong tỉnh Thanh Hóa nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, lĩnh vực tài chính – ngân hàng nhiều khó khăn, TCVM Thanh Hóa cũng phải đối mặt với thách thức trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược tài chính toàn diện và các mục tiêu kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức TCVM nói chung, TCVM Thanh Hóa nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của từng tổ chức thì cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa từ các cấp, các ngành.
Theo đó, cần xây dựng, ban hành các văn bản phát luật quy định riêng cho hoạt động TCVM; nghiên cứu, ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng với hoạt động của các tổ chức TCVM và giữa các tổ chức TCVM với nhau; sớm ban hành quy định về hoạt động đại lý ngân hàng và cho phép các tổ chức TCVM triển khai hoạt động đại lý ngân hàng. Cho phép tổ chức TCVM được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng nhằm khai thông dịch vụ chuyển tiền. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý cho phép các tổ chức phi ngân hàng nước ngoài góp vốn vào tổ chức TCVM. Hỗ trợ các tổ chức TCVM trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia; hình thành cơ sở đào tạo về TCVM; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về TCVM. Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các tổ chức TCVM nói chung tăng vốn hoạt động bằng việc tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức TCVM được tiếp cận các nguồn vốn quốc tế, đồng thời có chính sách riêng hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các tổ chức TCVM.
Bài và ảnh: Hoàng Linh