Mặc dù gặp nhiều thử thách, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phấn đấu của ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động, Tổ chức Tài chính vi mô (TCVM) Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế – xã hội còn nhiều biến động, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn. Những “cơn gió ngược” là điều đã được dự báo. Nhận thức sâu sắc điều đó, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã tích cực, chủ động đón đầu cơ hội, tranh thủ mọi nguồn lực, nhận diện thách thức, nỗ lực phát triển.
Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa Nguyễn Hải Đường trao quà cho gia đình khách hàng nhân dịp kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển.
Trước bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, cố gắng trên tất cả các phương diện: cung cấp dịch vụ, hoạt động đối nội – đối ngoại, an sinh xã hội, chuyển đổi số… Tính đến ngày 21-9-2023, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đang hoạt động trên địa bàn 267 xã, 19 huyện, thị, thành phố. Tổng dư nợ đạt 456,8 tỷ đồng; tổng số khách hàng vay vốn là 19.570 người, trong đó có 87,2% khách hàng là phụ nữ, 12,4% khách hàng là người dân tộc thiểu số.
Vậy câu chuyện phía sau “những trái ngọt” ấy là gì?
Không vội trả lời, Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa Nguyễn Hải Đường rót chén trà ấm mời khách. Lần nào gặp nhau cũng vội bởi những cuộc điện thoại đến và đi chen ngang, những công văn, giấy tờ cần giải quyết, những đối tác, những nhiệm vụ quan trọng không thể trì hoãn. Nhưng câu chuyện về TCVM giữa chúng tôi và ông Đường bao giờ cũng khúc chiết, ngắn mà tinh, bao quát, không xuề xòa, phiên phiến. Đó là sự tâm huyết, trách nhiệm của “người đứng đầu”.
Xuyên suốt hành trình xây dựng và phát triển, từ khi là chương trình tín dụng nhỏ, ít người biết tới hay khi đã là 1 trong 4 tổ chức TCVM được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, điều quan trọng nhất và cũng là niềm tự hào lớn nhất của TCVM Thanh Hóa đó là luôn kiên định mục tiêu vì cộng đồng, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Đối tượng khách hàng của TCVM là những người yếu thế, phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, doanh nghiệp vi mô… Họ là đối tượng rất ít khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay thương mại, là đối tượng rất ít được quan tâm, chú trọng trong các hoạch định chiến lược, mục tiêu tăng trưởng của các ngân hàng thương mại. Với Tổ chức TCVM Thanh Hóa, họ là trung tâm của mọi hoạt động. Từ nguồn vốn vay có được, họ có thêm động lực, điểm tựa để vươn lên trong cuộc sống, nâng cao vị thế của mình trong gia đình và xã hội, định hướng tương lai.
Những chia sẻ của ông Nguyễn Hải Đường khiến chúng tôi suy nghĩ nhiều. Trên hành trình cuộc sống, chúng tôi gặp không ít những người giàu lang thang, vô định trong chính sự sung túc, đủ đầy của mình. Và ngược lại, nhiều người nghèo đang nỗ lực, cố gắng từng ngày kiếm tìm hướng đi, vươn lên từ nghịch cảnh. Ai bảo người nghèo không có ước mơ, chỉ có điều, họ thiếu động lực, thiếu chỗ dựa, niềm tin vững chắc. Không công ăn việc làm ổn định, không tài sản thế chấp; nhiều người trong số họ còn không thể tự mình viết tờ kê khai cho tròn vành rõ nghĩa nên cơ hội vay vốn từ ngân hàng thương mại gần như không có. Trong những lúc thiếu khó, loay hoay nhất, họ trở thành “thượng đế” đáng thương của các tổ chức tín dụng đen “khát máu”. Trong suốt một thời gian dài, tín dụng đen là “cơn bão ngầm”, nỗi ám ảnh của làng quê, thôn, bản.
Sự xuất hiện của TCVM đã mở ra “cánh cửa” tương lai, trao cơ hội “đổi đời” cho những con người yếu thế, hộ nghèo, hộ thu nhập thấp vươn lên. Thông qua hình thức “vay một thúng trả từng đấu” – vay một lần trả dần trong nhiều tháng, dịch vụ tín dụng của TCVM Thanh Hóa không chỉ dễ vay dễ trả, hết chu kỳ vay khách hàng lại có một khoản tiết kiệm nho nhỏ. Thủ tục vay vốn đơn giản, thuận tiện, phát và thu vốn ngay tại địa phương nên phù hợp với các đối tượng khách hàng là phụ nữ nghèo, người thu nhập thấp, yếu thế. Các hội viên được khuyến khích gửi tiết kiệm, bắt đầu tạo dựng tương lai từ những con số rất nhỏ.
Phát huy lợi thế, nhằm đưa vốn vay đến gần hơn với các đối tượng khách hàng, Tổ chức TCVM Thanh Hóa không ngừng nỗ lực mở rộng địa bàn hoạt động về các thôn, xã thông qua việc đổi mới, linh hoạt, sáng tạo trong phương pháp tiếp cận, tổ chức kênh phân phối. TCVM Thanh Hóa xây dựng, triển khai đa dạng các gói vay, phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: gói vay kinh doanh, vay giáo dục, vay xây sửa công trình phụ, vốn vay dành cho công nhân, viên chức…
Khách hàng tham gia vay vốn của Tổ chức TCVM Thanh Hóa sẽ được công nhận là hội viên, được tham gia các buổi sinh hoạt cộng đồng, được tư vấn phương án kinh doanh và được bổ sung nguồn vốn ở các chu kỳ vay tiếp theo. TCVM Thanh Hóa đã tổ chức hàng nghìn khóa tập huấn nâng cao năng lực cho khách hàng vay vốn, cung cấp kịp thời các kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh giúp khách hàng lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp. Mục tiêu và cũng là động lực lớn nhất đối với bất kỳ một thành viên nào của Tổ chức TCVM Thanh Hóa đó là được đồng hành, chứng kiến sự thay đổi, tốt dần lên từng ngày trong cuộc sống của khách hàng khi được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, hiệu quả. Sự phát triển bền vững của khách hàng chính là thành quả, động lực phát triển bền vững của tổ chức.
Thị trường tài chính và kinh tế không ngừng đổi mới, sáng tạo, công nghệ tài chính phát triển nhanh chóng. Để bắt kịp với sự thay đổi ấy, Tổ chức TCVM Thanh Hóa chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong triển khai các hoạt động, liên tục nâng cấp hệ thống quản lý thông tin nhằm giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro, tăng cường tiếp cận khách hàng, đón đầu các xu hướng…
Bên cạnh phương pháp tiếp cận truyền thống là cán bộ TCVM trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng hoặc thông qua hội LHPN, chính quyền địa phương. TCVM Thanh Hóa ứng dụng công nghệ (qua máy tính bảng, điện thoại smartphone) để đăng ký thông tin khách hàng vay vốn thông qua phân hệ phần mềm CCS và app tiết kiệm online để giao dịch với khách hàng gửi tiết kiệm ngay tại nhà văn hóa thôn với mức tiền gửi nhỏ nhất, khách hàng có thể gửi thường xuyên mà không mất chi phí đi lại.
Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng chuyển động phức tạp của kinh tế toàn cầu, lĩnh vực tín dụng ngân hàng, đặc biệt là TCVM, việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều khó khăn. Với hàng chục năm kinh nghiệm hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là những tổ chức đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng như: ADB, IFC, Ford Foundation, Jica, Oiko credit, Kiva, Care, Lend with Care, Babyloan…, TCVM Thanh Hóa được xem là “điểm sáng” thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TCVM. Được biết, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã kết nối thêm với tổ chức Care Úc trong hoạt động hợp tác cho đối tượng là hộ thu nhập thấp vay vốn.
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ, Tổ chức TCVM Thanh Hóa rất chú trọng công tác an sinh xã hội. Vừa qua, Tổ chức TCVM Thanh Hóa phối hợp với Hội LHPN huyện Ngọc Lặc, chính quyền xã Ngọc Liên tổ chức lễ trao tặng mái ấm tình thương cho gia đình chị Nguyễn Thị Năm ở thôn 9, góp phần lan tỏa giá trị tích cực, tinh thần tương thân, tương ái.
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng với Tổ chức TCVM Thanh Hóa khi cùng nhau nhìn lại hành trình 25 năm xây dựng và phát triển, tri ân các đối tác, cơ quan, ban, ngành và tập thể cán bộ, nhân viên đã quan tâm, tạo điều kiện, chung tay góp sức xây dựng tổ chức. Khởi đầu là một chương trình tín dụng nhỏ do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ thành lập, lúc bấy giờ TCVM là khái niệm khá lạ lẫm với nhiều người, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đến nay, Tổ chức TCVM Thanh Hóa đã không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định uy tín, chất lượng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của quê hương, đất nước.
Tổng Giám đốc Tổ chức TCVM Thanh Hóa Nguyễn Hải Đường cho biết: Thực hiện đúng mục tiêu, sứ mệnh xuyên suốt của TCVM Thanh Hóa, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đến các hộ vùng sâu vùng xa, người dân tộc thiểu số. Với giải pháp công nghệ thông tin liên tục được nâng cấp, trong 5 năm tới TCVM Thanh Hóa sẽ nỗ lực nâng cao số lượng các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia. Đồng thời chú trọng tổ chức các khóa đào tạo tập huấn kiến thức tài chính, quản trị, marketing cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt là các mô hình do phụ nữ làm chủ.
Bài và ảnh: Hương Thảo