Sáng 22/3, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 3/2024 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 và thảo luận, cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Các đại biểu dự phiên họp.
Kinh tế – xã hội có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang trình bày tại phiên họp nêu rõ: Trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành đã bám sát thực tiễn, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực từ rất sớm, với tinh thần “Kỷ cương – Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo – Phát triển”. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, vì thế kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh quý I/2024 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Trọng Trang báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I, nhiệm vụ trọng tâm Quý II/2024.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên cây trồng, vật nuôi. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong quý I, có thêm 3 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu, 68 thôn NTM kiểu mẫu và 15 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện, 363/465 xã, 717 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM; 97 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 23 xã, 479 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 479 sản phẩm OCOP.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Ngô Đình Hùng phát biểu tại phiên họp.
Sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt kết quả tích cực; đa số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh duy trì tốt hoạt động sản xuất, bắt đầu thích ứng linh hoạt trước các biến động của thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất đặc thù, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thủy điện, nhiệt điện, xi măng… sản xuất xuyên tết. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 20% so với cùng kỳ.
Các ngành dịch vụ đạt kết quả nổi bật, nhất là giá trị xuất khẩu tăng 40,1%. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 4 năm trở lại đây. Trong quý, doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ cũng tăng 10,3%, tổng lượng khách du lịch tăng 10%, doanh thu du lịch tăng 16,5%, vận chuyển hành khách tăng 11,3%…
Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I ước đạt 13.356 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, tăng 31,5% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 8.656 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán, tăng 46%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán, tăng 11,1%.
Cục trưởng Cục Hải quan Thanh Hoá Lê Xuân Huế phát biểu tại phiên họp.
Huy động vốn đầu tư phát triển quý I ước đạt 31.681 tỷ đồng, bằng 23,5% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Hoạt động đối ngoại gắn với xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Tính đến ngày 14/3/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 25 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 4 dự án FDI), tăng 75,5% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.419 tỷ đồng và 60,6 triệu USD.
Chất lượng các hoạt động văn hóa – xã hội tiếp tục được nâng lên. Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đoạt giải và xếp thứ 4 cả nước về số lượng thí sinh đoạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 – 2024. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống Nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đã hoàn thành chỉ tiêu giao nhận quân năm 2024.
Nhận diện hạn chế, yếu kém
Đánh giá từ thực tiễn cũng như qua báo cáo tại phiên họp cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024 của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế trên một số lĩnh vực.
Trong đó, đáng chú ý là kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) chuyển biến chậm; sản lượng khai thác thủy sản giảm 2% so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường phát biểu tại phiên họp.
Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm, một số khu công nghiệp được quy hoạch trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư hạ tầng, như: Thạch Quảng, Ngọc Lặc, Bãi Trành… ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm phát biểu tại phiên họp.
Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu.
Việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở các địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để. Thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số địa phương còn kéo dài…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phát biểu tại phiên họp.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém cũng được các đại biểu dự phiên họp phân tích, chỉ rõ như: Tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, ảnh hưởng đến việc phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Một số quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu, quản lý vốn của Nhà nước còn thiếu sự thống nhất, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại phiên họp.
Đặc biệt, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số đơn vị chưa chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm công tác và thái độ phục vụ của một số cán bộ, công chức chưa cao. Một số ngành, địa phương chưa quan tâm, sâu sát đối với nhiệm vụ quy hoạch; năng lực của một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn còn yếu. Một số tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm các quy định về khai thác khoáng sản…
Các đại biểu dự phiên họp cũng phân tích, làm rõ thêm kết quả đạt được liên quan đến thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công; những khó khăn, hạn chế liên quan đến sản lượng khai thác thủy sản giảm so với cùng kỳ; công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư…
Bám sát chủ đề năm, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước kết quả kinh tế – xã hội tỉnh đã đạt được trong quý I, năm 2024. Đồng thời nhấn mạnh: Kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong chỉ đạo, điều hành; sự vào cuộc đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Những kết quả đạt được đang tạo niềm tin, khí thế, động lực để tỉnh ta hoàn thành kế hoạch năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những hạn chế, yếu kém đã được chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh thêm những hạn chế liên quan đến tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ; việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện các dự án đầu tư và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; công tác chuyển đổi số trong các cấp, các ngành…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục bám sát chủ đề của năm để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra; tranh thủ thời cơ, thuận lợi để tăng tốc, bứt phá, quyết tâm đưa các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội về đích đúng kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thành các nội dung liên quan đến Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 – 2025; Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trình duyệt theo quy định.
Các đơn vị, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu triển khai thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án, biện pháp phòng, chống lụt, bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình thủy lợi, đê điều trước mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện hiệu quả nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại Thông báo số 504/TB-VPCP, ngày 5/12/2023 của Văn phòng Chính phủ.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Đề án thành lập thị trấn Hà Long và thị trấn Hà Lĩnh thuộc huyện Hà Trung; Dự thảo Quyết định điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; Tờ trình về việc đề nghị ban hành Quy định tiêu chí cụ thể lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và một số nội dung quan trọng khác.
Phong Sắc