Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nga Sơn kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại xã Nga Thành.
Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, việc tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, XDNTM, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội.
Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh đã giúp trên 222 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với số tiền 10.865,3 tỷ đồng, trong đó 3 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã cho trên 94,1 nghìn lượt hộ vay với số tiền 6.095,2 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có gần 29 nghìn hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách; hỗ trợ vốn vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới cho trên 25,9 nghìn hộ vay và người lao động (trong đó, giúp 1.219 lao động theo Phương án số 198/PA-UBND được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 94 tỷ đồng để tự tạo việc làm, ổn định đời sống tại địa phương do ảnh hưởng của dịch COVID-19); giúp gần 1.996 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ 4.511 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; 4.447 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để mua máy vi tính; xây dựng, cải tạo 78.795 công trình nước sạch và 78.639 công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng 1.265 căn nhà ở hộ nghèo và nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP; giúp 77 cơ sở giáo dục mầm non được vay vốn…
Bảo đảm an sinh xã hội nói chung, xóa đói giảm nghèo nói riêng là chủ trương lớn mà Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm hàng đầu. Trong tổng thể các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện CNH, HĐH đất nước, nhiều chính sách hướng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo được triển khai và đã mang lại kết quả quan trọng. Trong gần 3 năm, doanh số cho vay đạt 10.865,3 tỷ đồng, với trên 222,8 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 7.625,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/7/2023 đạt 13.030,9 tỷ đồng, tăng 2.936 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Toàn tỉnh có gần 248,7 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Kết cấu dư nợ các chương trình tín dụng được chuyển dịch phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó: tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm với dư nợ đạt 9.637,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 74% tổng dư nợ; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt với dư nợ đạt 3.393,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26%.
Kết quả giải ngân 3 chương trình tín dụng (hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo) từ năm 2021 đến 31/7/2023 với doanh số cho vay đạt 6.095,2 tỷ đồng (chiếm 56,1% doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách), với trên 94,1 nghìn lượt hộ nghèo hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 4.673,4 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/7/2023 đạt 7.363,4 tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách), tăng 1.419,4 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Toàn tỉnh có gần 116,7 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đang còn dư nợ. Có thể nói, thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách xã hội thực sự là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo tại địa phương, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng này.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tổ chức có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hằng năm, cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay. Quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH từ tỉnh đến cơ sở. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Chỉ đạo, thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, làm cơ sở thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Để nguồn vốn tín dụng triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả, ông Lê Hữu Quyền, Giám đốc NHCSXH tỉnh, kiến nghị: Cần bổ sung chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình đã được rà soát theo Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, đối với chương trình cho vay lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đề nghị bổ sung thêm đối tượng được thụ hưởng là lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, thuộc hộ gia đình có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người lao động tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Bài và ảnh: Trường Giang