Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Nông Cống có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội đã góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Nhiều hộ dân xã Trường Trung (Nông Cống) được vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nguồn vốn ưu đãi đã kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Nông Cống vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Có mặt từ sớm tại trụ sở UBND xã Vạn Hòa vào đúng phiên giao dịch định kỳ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nông Cống (NHCSXH Nông Cống), chúng tôi được chứng kiến không khí giao dịch sôi nổi của người dân. Bí thư Đảng ủy xã Vạn Hòa Trần Thị Kiên cho biết: “Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng, xã đã thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Xã cũng quan tâm phối hợp, tạo điều kiện cho người dân làm các thủ tục vay vốn cũng như thực hiện giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Nguồn vốn vay từ NHCSXH là một trong những kênh tín dụng quan trọng trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn phát triển kinh tế. Nguồn vốn đến đúng đối tượng chính sách tạo điều kiện cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế hộ, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu”.
Tại xã Trường Trung, năm 2023 gia đình bà Nguyễn Thị Hồng được ngân hàng cho vay 100 triệu đồng để xây dựng mô hình sản xuất nấm. Đến nay, mô hình được duy trì và phát triển với quy mô 2,5 vạn bịch nấm, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động. Bà Hồng cho biết: “Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và NHCSXH Nông Cống, gia đình tôi có cơ hội vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tránh được tình trạng đi vay nặng lãi. Có vốn, các thành viên trong gia đình đã cố gắng tập trung chăm sóc, mở rộng mô hình trồng nấm để không những bảo toàn được vốn, mà phải có lãi để tái đầu tư”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nông Cống Phạm Hồng Hạnh – Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Nông Cống, cho biết: “Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện được kiện toàn bảo đảm cơ cấu thành viên theo quy định. Trong đó có trưởng các phòng, ban liên quan cấp huyện, chủ tịch UBND 33/33 xã, thị trấn. Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo rà soát nhu cầu vay vốn hàng năm, đồng thời chỉ đạo NHCSXH Nông Cống phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác. UBND các xã, thị trấn rà soát danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để làm cơ sở triển khai thực hiện. Ngoài nguồn vốn NHCSXH cấp trên phân bổ, tính đến cuối tháng 3/2024 UBND huyện bố trí ngân sách địa phương gần 9,4 tỷ đồng chuyển NHCSXH Nông Cống để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.
Tính đến cuối tháng 3/2024 tổng dư nợ của NHCSXH Nông Cống đạt gần 596 tỷ đồng với 14.558 hộ đang vay vốn. Công tác phối hợp giữa ngân hàng và các đoàn thể chính trị – xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Phương thức ủy thác cho vay thông qua các đoàn thể chính trị – xã hội là mô hình quản lý đang phát huy hiệu quả; các đoàn thể chính trị – xã hội phát huy được thế mạnh để quy tụ, tập hợp đoàn viên, hội viên làm kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đến nay, các tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn huyện đang quản lý 315 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 12.350 hội viên vay với dư nợ chiếm tỷ trọng 98% tổng dư nợ…
Với những giải pháp thiết thực, các chương trình tín dụng ưu đãi mà NHCSXH Nông Cống triển khai trong thời gian qua đã và đang phát huy được hiệu quả. Phần lớn số hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, góp phần tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn.
Bài và ảnh: Khánh Phương