Ngày 29/8, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) tại các huyện Thường Xuân và Ngọc Lặc.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Nguyễn Văn Thi phát biểu tại buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Thường Xuân.
Tại buổi làm việc, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc đã báo cáo với đoàn công tác về hoạt động TDCSXH tại các địa phương. Theo đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện đã bám sát các quy định của pháp luật, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên để chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động TDCSXH góp phần thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân.
Đồng chí Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch Thường trực, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Thường Xuân báo cáo tình hình sử dụng TDCSXH trên địa bàn huyện.
Tại huyện Thường Xuân, Phòng giao dịch NHCSXH huyện chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện trong các mặt hoạt động; đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình TDCSXH. Đến cuối tháng 8/2024, Phòng giao dịch NHCSXH đang giải ngân 14 chương trình TDCSXH, tổng dư nợ đạt gần 699 tỷ đồng, tăng 105 tỷ đồng so với đầu năm với 11.418 hộ còn vay vốn, dư nợ bình quân đạt 60,4 triệu đồng/hộ.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Thi và đoàn công tác kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại hộ bà Vi Thị Hoài, thôn Nhàng, xã Luận Khê (Thường Xuân) vay vốn chương trình xuất khẩu lao động.
Các hộ vay chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay để chăn nuôi trâu, bò sinh sản, mua sắm các máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. 8 tháng đầu năm 2024, nguồn vốn TDCSXH đã giúp cho trên 3.200 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, góp phần tạo việc làm cho trên 2.600 lao động; giúp 20 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng cải tạo gần 1.200 công trình nước sạch và công trình vệ sinh nông thôn…
Người dân xã Luận Khê (Thường Xuân) phấn khởi khi được tiếp cận nguồn vốn TDCSXH của Chính phủ đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Ngọc Lặc Hồ Minh Hoàn trình bày báo cáo tình hình sử dụng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ngọc Lặc giai đoạn 2021-2024.
Tại huyện Ngọc Lặc, năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và NHCSXH Thanh Hóa để chỉ đạo triển khai các chương trình TDCSXH. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó ưu tiên cân đối ngân sách địa phương, đã chuyển gần 6,5 tỷ đồng vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến cuối tháng 8/2024, tổng dư nợ các chương trình TDCSXH trên địa bàn đạt hơn 610 tỷ đồng với 11.676 khách hàng đang còn dư nợ. Dư nợ bình quân đạt 52 triệu đồng/hộ.
Gia đình chị Lê Thị Thuý ở thôn Cao Sơn, xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) được vay vốn chương trình TDCSXH giải quyết việc làm.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động TDCSXH tại các địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Công tác kiểm tra, giám sát của một số thành viên Ban đại diện HĐQT là lãnh đạo các ban, ngành của huyện chưa chủ động, kịp thời; một số thành viên là Chủ tịch UBND xã chưa quan tâm chỉ đạo trưởng thôn và tổ chức chính trị – xã hội cấp xã trong công tác bình xét cho vay nên chưa phát huy tối đa hiệu quả của đồng vốn. Hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã một số nơi chưa chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát còn chậm và mang tính hình thức; chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra sử dụng vốn vay sau cho vay và việc đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nhất là nợ đến hạn định kỳ, nợ quá hạn; chưa làm tốt công tác tuyên truyền về huy động tiền gửi dân cư tại điểm giao dịch xã cố định hằng tháng.
Đồng chí Đinh Tiên Phong, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình TDCSXH. Đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả huy động và hỗ trợ thêm nguồn vốn để người dân có nhiều cơ hội tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Thi phát biểu kết luận buổi làm việc.
Kết luận tại các buổi kiểm tra, giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Thi đã ghi nhận những kết quả đạt được trong việc triển khai có hiệu quả TDCSXH trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Ngọc Lặc.
Đồng chí đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định 1630/QĐ-TTg ngày 28/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trọng tâm là nâng cao chất lượng tín dụng, nhận thức trách nhiệm của đơn vị thực hiện chính sách và người thụ hưởng chính sách, gắn hiệu quả hoạt động TDCSXH hội với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Thi và đoàn công tác Gia đình đoàn viên Trịnh Đình Quân, thôn Cao Sơn, xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc) được vay 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm phát triển mô hình trồng dứa cho hiệu quả kinh tế cao.
NHCSXH huyện chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện trong các mặt hoạt động; đề xuất với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình TDCSXH. Các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát theo địa bàn được phân công; thường xuyên chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế để phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn TDCSXH.
Đoàn công tác kiểm tra tình hình sử dụng tín dụng chính sách tại một số hộ dân xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc).
Các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác tiếp tục thực hiện tốt văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác đã ký với NHCSXH; thường xuyên nâng cao chất lượng công tác nhận ủy thác; giám sát việc tổ chức bình xét cho vay dân chủ, công khai, minh bạch căn cứ vào nhu cầu, khả năng sử dụng vốn và trả nợ của hộ vay. Hội nhận ủy thác cấp huyện, cấp xã hoàn thành chương trình kiểm tra theo kế hoạch. Phối hợp nắm chắc đối tượng vay vốn, hướng dẫn hiệu quả sử dụng vốn vay, tích cực giảm nợ quá hạn. Tiếp tục tuyên truyền hội viên, Nhân dân có tiền nhàn rỗi gửi vào NHCSXH để tạo lập thêm nguồn vốn cho vay; tuyên truyền hộ vay vốn tăng mức tiền gửi qua tổ TK&VV để tạo lập vốn tự có, tích lũy trả nợ gốc theo phân kỳ và trả nợ khi đến hạn…
Gia đình chị Hoàng Thị Hiệu, dân tộc Thái ở thôn Hợp Nhất, xã Luận Khê (Thường Xuân) được vay vốn chương trình TDCSXH đầu tư mở rộng chăn nuôi hiệu quả.
Trước khi làm việc với Ban đại diện HĐQT NHCSXH các huyện, đoàn công tác đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình sử dụng vốn chính sách của một số hộ dân tại xã Luận Khê (Thường Xuân), xã Cao Thịnh (Ngọc Lặc). Đoàn đã kiểm tra việc chấp hành các quy định trong việc quản lý và sử dụng vốn, nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của các hộ vay, các hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn.
Khánh Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tin-dung-chinh-sach-gop-phan-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-tai-thuong-xuan-ngoc-lac-223348.htm