Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 9 doanh nghiệp chế biến gạo; gần 6.900 cơ sở xay xát; hàng nghìn đại lý, cửa hàng kinh doanh, buôn bán gạo. Theo một số đại lý, cửa hàng kinh doanh gạo, hiện nay, giá gạo trên thị trường Thanh Hóa theo giá chung của thị trường trong nước, nhưng lượng tiêu thụ tăng từ 40- 50% so với tháng trước.
Nguyên nhân là do thời điểm này chưa đến vụ thu hoạch lúa, nguồn nguyên liệu tại chỗ không có nên các nhà máy, đại lý trong tỉnh phải tăng cường nhập từ các tỉnh phía Nam. Khi giá gạo tăng, các đại lý trong tỉnh phải tăng thu mua để tích trữ.
Bà Trần Thị Thủy, Tổng đại lý kinh doanh gạo Điền Thủy, thành phố Thanh Hóa cho biết: “Đại lý chúng tôi luôn cung ứng đầy đủ các loại gạo cho khách hàng, đáp ứng đủ số lượng với giá thành hợp lý và không để thiếu hụt lượng gạo để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.”
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng lúa của tỉnh Thanh Hóa đạt 1,36 triệu tấn mỗi năm. Trong bối cảnh giá lúa gạo thế giới tăng mạnh, thị trường trong nước đã xuất hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, các đại lý gạo đẩy giá bán cao bất thường…Do vậy, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thống kê sản lượng lúa gạo trên thị trường, đánh giá khả năng cung ứng trong tỉnh để có giải pháp kịp thời ổn định thị trường và giá cả, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Nguồn: Bản tin Thời sự 18h/TTV