Ngày 10/6, dưới sự chủ trì của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức để cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới và nhiều nội dung quan trọng khác.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên và các đại biểu dự hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn và các đại biểu dự hội nghị.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Tuấn Sinh và các đại biểu dự hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới, do đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình bày nêu rõ: Thanh Hoá là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Xứ Thanh là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam; quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, văn thần, võ tướng nổi tiếng trong lịch sử và có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Người Thanh Hóa giàu lòng yêu nước, hiếu học, có tinh thần đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo, luôn có ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống.
Phát huy truyền thống văn hiến và các giá trị mạch nguồn văn hóa tốt đẹp của quê hương, trong những năm qua Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng và yêu cầu của tỉnh. Một số giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Nhiều di sản văn hóa vật thể bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có biện pháp bảo tồn, tôn tạo hiệu quả. Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm giáo dục truyền thống, phát triển du lịch, dịch vụ hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực văn học – nghệ thuật phát triển chưa tương xứng với truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, còn thiếu những tác phẩm lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động văn hóa thiếu đồng bộ, chưa có những công trình quy mô, xứng tầm…
Để tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới, dự thảo Nghị quyết xác định mục tiêu chung là: Xây dựng, phát triển toàn diện văn hóa, con người Thanh Hóa, hướng đến các giá trị chân – thiện – mĩ, trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh. Chăm lo xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị. Xây dựng nền văn học – nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng có chất lượng cao mang đậm sắc thái xứ Thanh. Tập trung đầu tư nguồn lực để văn hóa phát triển toàn diện, đưa văn hóa thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Sau khi nghe ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đóng góp vào Dự thảo Nghị quyết, phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Việc xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng. Bất cứ địa phương nào muốn phát triển đi lên đều dựa vào 3 trụ cột: điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý; truyền thống lịch sử, văn hóa; con người.
Dự thảo Nghị quyết được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chuẩn bị đề cập hai vấn đề văn hóa và con người quện chặt vào nhau. Đây là vấn đề lớn và khó, nhưng với sự nỗ lực cố gắng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, dự thảo Nghị quyết đã được nghiên cứu và xây dựng rất công phu và có tính chất thực tiễn cao, nhằm tiếp tục phát huy được giá trị văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Đây là lần thứ hai Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết và đi đến thống nhất cao việc đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã cho ý kiến cụ thể vào dự thảo Nghị quyết và đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết gửi các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trình Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào dịp giữa năm 2024.
Bí thư Tỉnh ủy giao UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và triển khai Nghị quyết trên địa bàn toàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến vào báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Kết luận số 21-KL/TU ngày 4/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quy định số 03-QĐ/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về xây dựng trung tâm chính trị cấp huyện đạt chuẩn.
Theo đó, sau 15 năm triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TU và Quy định số 03-QĐ/BTGTU, đến nay 100% trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn.
Các ý kiến cho rằng, việc các trung tâm chính đạt chuẩn đã góp phần nâng cao chất lượng toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế đó là: Nhiều trung tâm chính trị sau công nhận đạt chuẩn, đội ngũ giảng viên còn thiếu theo Quy định số 208-QĐ/TW ngày 8/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm chính trị cấp huyện; Quyết định 1806-QĐ/TU ngày 5/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc giao biên chế cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2022-2026.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Trung tâm chính trị với các ban, ngành, phòng, cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thao giảng, dự giờ, thăm lớp, kiểm tra giáo án, trao đổi kinh nghiệm chưa được triển khai thực hiện theo quy định. Nhiều địa phương nhiều năm không tổ chức tuyển sinh đào tạo sơ cấp chính trị. Nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghiên cứu thực tiễn ở một số đơn vị chưa được triển khai thực hiện.
Các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể vào quy định về trung tâm chính trị cấp huyện, thị xã, thành phố chuẩn để khi triển khai sẽ phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả, có tính thực tiễn cao.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Tiến phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Lê Anh Xuân phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại hội nghị.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của trung tâm chính trị cấp huyện trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị – hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị – xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương…
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng tình ban hành quy định về trung tâm cấp huyện, thị xã, thành phố chuẩn được nâng tầm từ quy định của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến cụ thể vào nội dung báo cáo và quy định về trung tâm cấp huyện, thị xã, thành phố chuẩn; đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp thu tối đa các ý kiến tại hội nghị, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy hoàn thiện báo cáo và dự thảo quy định, xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy bằng văn bản để ban hành trong tháng 6/2024.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến vào một số tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về: Sửa đổi, bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa; Bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở: Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Tài chính; Nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy định tiêu chí thành lập Tổ bảo vệ an ninh – trật tự; tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh – trật tự; mức hỗ trợ, bồi dưỡng và mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh – trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Thanh Hóa.
Minh Hiếu