Chiều 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; các thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến 27 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Theo báo cáo, trong 2 năm qua với sự chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo, bản lĩnh trong tổ chức thực hiện, các mục tiêu của Đề án 06 cơ bản đạt được. Trong đó, nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng có sự chuyển biến tích cực; các cấp, ngành và địa phương đã nhìn nhận rõ hơn về thực trạng hạ tầng, nhân lực, dữ liệu, an ninh an toàn và yêu cầu hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án 06. Niềm tin vào thành công của chuyển đổi số quốc gia được nâng lên.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Có 38/53 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Trong đó, có 36 dịch vụ công được thực hiện toàn trình (người dân có thể thực hiện bất cứ thời điểm nào, nơi nào, không phải tiếp xúc trực tiếp với cơ quan nhà nước, cắt giảm giấy tờ, chi phí đi lại), điển hình như: Thông báo lưu trú (tỷ lệ 97%) với 6.317.643 lượt người dân thực hiện khai báo lưu trú không phải đến cơ quan công an; có 2.027. 696 thí sinh thực hiện đăng ký thi trực tuyến; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu đạt tỷ lệ 98,84%, với 12.224 doanh nghiệp thực hiện trực tuyến…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội tiếp tục được đẩy mạnh như: Hoàn thành giải pháp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tạo từ máy tính tiền với trên 1.900 tỷ đồng thu được. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, tài chính…
Đối với cơ quan Nhà nước, Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy sang phương thức quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được quan tâm chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt, qua đó đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản liên quan góp phần tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi các mặt hoạt động của xã hội và cơ quan Nhà nước từ thủ công sang ứng dụng công nghệ hiện đại…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh Báo Nhân Dân)
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số nói chung, thực hiện Đề án 06 nói riêng ở các cấp, các ngành và Nhân dân trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định: Hai năm thực hiện Đề án 06 đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Chính cũng đã chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện về quy trình cho việc xây dựng, tạo lập dữ liệu, sử dụng ngân sách hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số chưa hoàn thành, chậm tiến độ; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu câu…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm sâu sắc những hạn chế còn tồn tại, tập trung thực hiện xuyên suốt các nhiệm vụ quan trọng gồm rà soát kỹ lưỡng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện pháp lý, nhất là các quy định liên quan đến kết nối, liên thông và chia sẻ dữ liệu, hình thành khung kiến trúc Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội như chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, chấm điểm khả tín để người dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, đảm bảo thông suốt việc tiếp nhận, trả hóa đơn điện tử; tích hợp một số tiện ích ngay trên ứng dụng định danh điện tử VNeID. Đặc biệt, giao Tổ công tác triển khai Đề án 06 cụ thể hóa các nhiệm vụ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án 06 trong năm 2024; xây dựng lộ trình chi tiết tháo gỡ các “điểm nghẽn” như áp dụng, sử dụng các định mức, đơn giá, mức chi trong quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước.
Rà soát, tái cấu trúc quy trình 53 dịch vụ công thiết yếu tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia và nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp số trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiết kiệm, tránh lãng phí…
Quốc Hương