Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT kết nối với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các đại biểu điều hành Hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tham dự hội nghị có đại diện các bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và 5 trường THPT đại diện cho các vùng miền trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại).
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Sự ra đời của Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” có vai trò đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển GD&ĐT, đồng thời góp phần định hướng chiến lược phát triển bền vững đất nước trong trước mắt, cũng như lâu dài.
Việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng GD&ĐT đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, GD&ĐT nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển rộng khắp. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được duy trì vững chắc, chất lượng ngày càng nâng cao; kết quả giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông được nâng lên; quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực; hình thức, nội dung giáo dục thường xuyên ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Công tác quản lý giáo dục và quản trị trường học có chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch dạy học; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, trình độ ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong quản lý và dạy học, cơ sở dữ liệu ngành được xây dựng, chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả.
Cơ sở vật chất trường học được cải thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới. Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, hệ thống trường học ngoài công lập phát triển nhanh, hoạt động ngày càng hiệu quả.
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn tới, ngành GD&ĐT đặt ra mục tiêu: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; thực hiện chủ trương một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa và xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm; củng cố kết quả phổ cập giáo dục, tỷ lệ học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt 99,5%, cấp THCS tối thiểu đạt 95%, cấp THPT và tương đương tối thiểu đạt 75%. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2030 tối thiểu 90% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Triển khai mô hình thành phố học tập trên toàn quốc: Có ít nhất 50% huyện/quận/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu huyện/thành phố học tập và 35% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được công nhận danh hiệu tỉnh, thành phố học tập. Phấn đấu đến năm 2030 thực hiện đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó một số cơ sở là trung tâm quốc gia, trung tâm vùng và một số cơ sở tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 15 – 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh trong khu vực ASEAN và thế giới…
Đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các nội dung, phân tích sâu hơn, rõ hơn những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, những điểm nghẽn cản trở sự phát triển, đề xuất những kiến nghị, giải pháp mới cho sự phát triển GD&ĐT trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các đại biểu đã quan tâm đến một công việc rất lớn của ngành. Đồng thời khẳng định, Nghị quyết số 29-NQ/TW thể hiện rõ quyết tâm chiến lược của Đảng ta với phát triển GD&ĐT.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, thông qua các ý kiến trao đổi, thảo luận để Ban Cán sự Đảng, Bộ GD&ĐT có các bước hoàn thiện tiếp theo Đề án tổng kết quan trọng này. Từ đó, có những đề xuất nhằm đưa ngành GD&ĐT thích ứng, xử lý, vượt qua được khó khăn, thách thức, góp phần đưa GD&ĐT ngày càng phát triển.
Linh Hương