Cần trưng cầu ý kiến, khảo sát để đưa ra phương án tối ưu, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân
Thạc sĩ Hoàng Văn Tú, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Hóa.
Chủ trương sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa và thành lập các phường thuộc TP Thanh Hóa là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu không chỉ đáp ứng yêu cầu của Trung ương, xây dựng và phát triển thành phố mà còn phù hợp với quá trình hội nhập, vươn tới tương lai của tỉnh Thanh Hóa.
Địa danh thành phố mới được thành lập sẽ có không gian đô thị rộng lớn, xứng tầm trung tâm chính trị – hành chính, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. Không chỉ trở thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, có bản sắc, mà trong tương lai thành phố mới còn giữ vai trò trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học – công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục và đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ. Đồng thời cùng với cả tỉnh tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc.
Tuy nhiên, danh xưng thành phố mới đang là vấn đề được dư luận, Nhân dân đặc biệt quan tâm. Theo quan điểm cá nhân của tôi, tên gọi của thành phố mới là TP Thanh Hóa hay TP Đông Sơn đều có giá trị lịch sử, văn hóa. Song, để đưa ra tên gọi cuối cùng cần tính đến các yếu tố như: làm thế nào để ít xáo trộn về thủ tục hành chính, tính rộng rãi của việc nhận diện danh xưng trong phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư…
Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần tuyên truyền về chủ trương, mục đích, phương án, thực hiện qua nhiều kênh (loa truyền thanh, hội họp, các cổng điện tử, trang thông tin điện tử…) để người dân hiểu rõ. Đồng thời, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, xem xét tổ chức các cuộc trưng cầu, lấy ý kiến cử tri và Nhân dân; tổ chức các cuộc điều tra xã hội học để đưa ra phương án tối ưu nhất, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân hai địa phương, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển bền vững.