Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đáp ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho cả nước, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn công suất phát 11,4 tỷ kWh hằng năm lên lưới điện quốc gia và hệ thống các tổng kho xăng dầu, Thanh Hóa đang có những quyết sách mới, hành động mới trong thu hút đầu tư, phát triển các dự án năng lượng, với kỳ vọng hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước trong tương lai gần.
Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn cung ứng 11,4 tỷ kWh hằng năm lên lưới điện quốc gia.
Cuối tháng 2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận chính thức thống nhất chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS). Dự án có tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 2,4 tỷ USD này hiện đang thu hút sự quan tâm của 5 nhóm nhà đầu tư lớn tầm cỡ thế giới và được kỳ vọng trở thành động lực mới cho ngành năng lượng Thanh Hóa. Theo đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn bao gồm một nhà máy điện LNG công suất 1.500 MW, một bến cảng nhập khí LNG, đê chắn sóng dài khoảng 1km và các công trình hạ tầng phụ trợ như kho chứa LNG, trạm tái hóa khí, hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG… Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 68,2ha và sẽ được triển khai tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn (xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn). Đây là dự án lớn thứ ba của tỉnh Thanh Hóa, sau dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II/2024 và công tác đầu tư dự tính sẽ được hoàn thành trước năm 2030.
Theo Ban Quản lý KKTNS và các KCN, hiện dự án đang được sự quan tâm của 5 nhóm nhà đầu tư đến từ trong nước và quốc tế. Trong đó, Tổ hợp nhà đầu tư thứ nhất gồm JERA Co.Inc (nhà sản xuất nhiệt điện lớn nhất tại Nhật Bản, cũng là nhà nhập khẩu sử dụng LNG lớn nhất trên thế giới) và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư thứ hai có sự góp mặt của Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – CTCP (APT); Tổ hợp nhà đầu tư thứ ba là Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) và CTCP Tập đoàn T&T; nhà đầu tư thứ 4 là Gulf Energy Development Public Company Limited (doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan) và nhà đầu tư thứ 5 là công ty trực thuộc SK Group – một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, chất bán dẫn, viễn thông và công nghệ sinh học.
Theo các chuyên gia kinh tế, điện khí LNG là loại năng lượng kỳ vọng giúp giảm phát thải cacbon, nhờ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực lên môi trường và bầu khí quyển. Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt thay thế khí khô phục vụ cho nhu cầu khí của các nhà máy điện. Điện khí LNG còn có ưu điểm linh hoạt, đảm bảo nguồn cung cấp không bị gián đoạn do yếu tố thời tiết. LNG còn được coi là “nhiên liệu cầu nối” trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang các loại nhiên liệu xanh, sạch, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Việc đầu tư dự án nhiệt điện LNG tại Thanh Hóa sẽ không chỉ góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế – xã hội mà còn là xu thế góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường tại địa phương.
Trong năm 2023 và đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa và nhà đầu tư cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang LNG của Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại KKTNS và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đề xuất chuyển đổi dự án điện than của Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh sang điện khí LNG với công suất 1.500 MW. Dự án này sẽ có sản lượng điện phát lên lưới trung bình hằng năm tăng từ 3,9 tỷ kWh/năm và tăng lên 9 tỷ kWh/năm với tổng mức đầu tư dự án khoảng 2 tỷ USD. Nếu được chấp thuận, nhà đầu tư sẽ triển khai ngay dự án để vận hành phát điện dự kiến vào năm 2028.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư lớn cũng đang quan tâm tìm hiểu đầu tư các dự án năng lượng tại Thanh Hóa, điển hình như Tập đoàn Energy nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy điện khí và kho khí hóa lỏng với tổng mức đầu tư 6 tỷ USD; Công ty TNHH Sản xuất giấy Lee&Man đầu tư nhà máy điện sinh khối 250 MW.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 33 dự án nguồn điện đã được bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 5.033,2 MW, gồm: 23 dự án thủy điện (846,2 MW), 3 dự án nhiệt điện (2.400 MW), 1 dự án điện khí LNG (1.500 MW), 3 dự án điện mặt trời (235 MW), 2 dự án phát điện từ nhiệt dư của nhà máy xi măng (34 MW), 1 dự án điện rác (18 MW). Bên cạnh đó còn một số dự án điện gió, điện sinh khối, điện rác cũng đang được tỉnh Thanh Hóa trình Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch và đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, làm cơ sở cho lộ trình thu hút đầu tư những dự án hiện đại, tầm cỡ và thân thiện với môi trường.
Bài và ảnh: Minh Hằng