Những năm qua, cánh rừng ngập mặn, rừng phi lao phòng hộ luôn đóng vai trò ngăn sóng, giữ cát bảo vệ cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ven biển; đồng thời là nơi trú ngụ của vô số loài thủy hải sản. Không những thế, nơi đây còn có tiềm năng để xây dựng mô hình du lịch sinh thái hấp dẫn.
Không gian yên bình ở rừng ngập mặn Đa Lộc.
“Điều hòa nhiệt độ” ngoài trời
Có một chốn “chữa lành” ở biển thật kỳ lạ! Không phải là bãi biển với những bờ cát trắng mịn màng và tất nhiên cũng không có những khách sạn hạng sang. Cánh rừng phi lao, rừng ngập mặn ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) “quyến rũ” những kẻ si tình bằng nét dịu dàng, êm ả vốn có. Nơi đây có nắng, có gió và cát, nhưng là cái nắng nhẹ nhàng chứ không quá bỏng rát, để chiều chuộng những cơ thể mệt mỏi đang mong cầu chút thư thái.
Tận dụng không gian dưới tán rừng phi lao, người dân địa phương mở những quán nước nhỏ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí cho những vị khách đủ mọi lứa tuổi. Gọi là quán nước nhưng ở đây cái gì cũng có từ bàn ghế, võng, chiếu… đến nồi niêu, bát đũa,… thậm chí wifi, loa míc hát karaoke. Những ngày hè nóng nực, nơi đây nhộn nhịp từ sáng tới tối muộn, đặc biệt đông đúc vào dịp lễ hay cuối tuần. Mọi người đến, không chỉ tận hưởng không khí trong lành, thỏa sức check-in với cảnh sắc rừng, biển… mà còn nghỉ ngơi, tránh nóng, tụ tập bạn bè; trẻ em thì thích thú tô tượng, chạy xe điện…
Tôi thích nằm cả ngày dưới cánh rừng phi lao để nghe gió reo, sóng hát, phi lao rì rào, khi đọc dăm ba trang sách, lúc lại buông thõng để dõi theo những đàn chim bay về phía đền cụm di tích nghè Diêm Phố hay khu nhà tưởng niệm Mẹ Tơm.
“Tôi cũng ở Hậu Lộc nhưng nơi tôi sinh ra không có biển. Đây là lần đầu tiên tôi biết người ta bắt cua, cáy như thế nào; cũng là lần đầu tiên các con tôi được lội nước mò ốc, bắt ngao. Chúng tôi đã có những phút giây thư giãn tuyệt vời khi được hòa mình vào không gian xanh ngát của rừng, đón những làn gió mát từ biển. Việc ăn các món ăn từ cá, tôm biển cũng rất bình thường nhưng khi được tự tay bắt, chế biến và thưởng thức tại chỗ thì cảm giác thú vị hơn rất nhiều”, anh Nguyễn Văn May, người xã Đại Lộc – một vị khách đến Đa Lộc chơi cùng gia đình, bày tỏ.
Trước đó, rừng phi lao xã Đa Lộc còn là nơi ghi hình những cảnh quay độc đáo trong bộ phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” từng phát sóng trên VTV1. Đây cũng là địa điểm lý tưởng mà các bạn trẻ lựa chọn để tổ chức, thực hiện các sự kiện, show thời trang… Ngày 14/7 vừa qua, show thời trang “Miền sông nước” của nhà thiết kế Nhật Thực đã diễn ra sôi động dưới chân đê rừng ngập mặn. Sự kiện thu hút đông đảo các tín đồ thời trang trong và ngoài tỉnh tham gia. Nhà thiết kế Nhật Thực chia sẻ: “Với mong muốn tổ chức một show diễn thời trang cho trẻ em về biển đảo, đồng thời quảng bá những cảnh đẹp của quê hương Hậu Lộc, mình đã chọn cánh rừng Đa Lộc vì thấy phù hợp. Nơi đây, ngoài cảnh đẹp, không khí mát mẻ, còn có khoảng đất rộng, bằng phẳng để thiết kế sân khấu, tổ chức các trò chơi tập thể”.
“Nồi cơm” lớn của dân làng
Xã Đa Lộc có 3 mặt tiếp giáp với biển và sông, là nơi quần cư của hơn 9.000 dân. Với vị trí địa lý và địa hình khá đặc biệt, nơi đây được xem là vùng “rốn” bão của huyện Hậu Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Còn nhớ, cơn bão số 7 năm 2005 đổ bộ đã phá vỡ hầu hết hệ thống đê đất chạy dọc 3 thôn ven biển của xã là Đông Tân, Đông Hải và Ninh Phú…, chỉ còn hơn 100m đê nằm bên trong thảm rừng ngập mặn.
Cơn bão đi qua, ai cũng nhìn thấy vai trò của cánh rừng sú, vẹt, bần chua dưới chân đê. Đó là “lá chắn xanh” ngăn triều cường, chống sạt lở và nước biển xâm thực, có thể giảm thiểu rủi ro thiên tai. Vì thế, sau năm 1989 có thêm nhiều diện tích rừng ngập mặn nhờ các chương trình, dự án đầu tư của một số tổ chức phi chính phủ. Chẳng mấy chốc mà khu vực đầm hoang, bãi triều ngoài biển được phủ một màu xanh của cây bần, sú, vẹt. Chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, người dân xã Đa Lộc đã trồng mới và chăm sóc 235ha rừng ngập mặn, nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của xã lên 452ha.
Theo ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, việc trồng rừng ngập mặn ở Đa Lộc mang lại nhiều lợi ích, từ việc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ven biển góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai, đến việc tạo sinh kế cho người dân. Mỗi ngày, khi nước ròng là hàng trăm người tiến ra biển, lẩn sâu vào cánh rừng ngập mặn để tìm bắt cua, cáy, cá còi, ốc len… Giá trị kinh tế của những loài thủy sản này tuy không cao, nhưng nó lại là nguồn mưu sinh của nhiều hộ nghèo không có công ăn việc làm ổn định. Diện tích rừng ngập mặn tại địa phương lớn, cùng với độ mặn phù hợp được xem là nơi lý tưởng cho các loài ốc, cáy, cua, hay vẹm, quéo… sinh sản, phát triển quanh năm. Nhờ vậy, người dân có thể khai thác suốt bốn mùa…
Từ khi rừng ngập mặn được hồi sinh, Đa Lộc đã thay đổi rất nhiều, từ cuộc sống của người dân đến hệ sinh thái ở nơi đây. Năm 2021, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập với 20 thành viên. Tháng 3/2023, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa. Đến nay, tổ hợp tác đang nuôi hơn 2.000 đàn ong nội, mỗi năm cung ứng khoảng 12 – 15 tấn mật hoa sú vẹt ra thị trường. Ông Trung chia sẻ: “Cây sú vẹt ra hoa từ tháng 5 cho tới tháng 7, còn cây bần chua thì ra hoa quanh năm. Trong xã, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi ong mật khi tận dụng được nguồn hoa khổng lồ từ những cánh rừng ngập mặn ven biển”.
Vẻ đẹp và tiềm năng của cánh rừng ngập mặn xã Đa Lộc hay cách đó không xa là cánh rừng ngập mặn của xã Hải Lộc vẫn như viên ngọc thô càng khám phá càng cảm nhận được vẻ hoang sơ, thuần khiết. Được biết, lãnh đạo xã Đa Lộc cũng đang có hướng khai thác những lợi thế từ rừng phi lao, kết hợp rừng ngập mặn để làm du lịch sinh thái. Chúng tôi tin rằng, một ngày nào đó, 6 xã ven biển của huyện Hậu Lộc cùng với các địa phương ven biển của tỉnh sẽ đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái biển, làm giàu thêm cho quê hương.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tiem-nang-du-lich-duoi-canh-rung-ngap-man-224164.htm