Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã trở thành hoạt động sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thủy vực nước ngọt, nước lợ, nước mặn theo hướng bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao. Tỉnh Thanh Hóa đã khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất để phát triển những mô hình NTTS tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nhằm hướng đến ngành NTTS chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Khu nuôi trồng thuỷ sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tại xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa).
Để phát huy lợi thế về diện tích vùng triều, huyện Hậu Lộc đã chú trọng hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản. Huyện đã vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và nguồn kinh phí địa phương để đầu tư hạ tầng các khu nuôi trồng và hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, huyện phát triển được 1.740ha NTTS; trong đó, diện tích nước ngọt 733ha, diện tích nước lợ 540ha, diện tích nước mặn 467ha. Đồng thời, hình thành được các vùng nuôi trồng nước lợ quy mô lớn, giá trị kinh tế cao, với các hình thức nuôi đa dạng như nuôi tôm sú xen rô phi, tôm sú xen cua. Đặc biệt các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh được quan tâm phát triển, toàn huyện với diện tích 163ha, sản lượng trên 1.400 tấn/năm. Trong đó, huyện đã phát huy hiệu quả của việc tập trung tích tụ đất đai, đầu tư vốn lớn, công nghệ siêu thâm canh trong nhà màng, nhà bạt gần 34ha tại các xã Hòa Lộc, Đa Lộc và Phú Lộc, bước đầu cho hiệu quả cao và từng bước được nhân rộng trên địa bàn.
Ông Trịnh Văn Doanh, thôn 4 Xuân Tiến, xã Hòa Lộc, cho biết: “Được sự vận động, hỗ trợ của các cấp chính quyền, từ năm 2020, gia đình tôi đã nhận thầu, tích tụ được khoảng 1,5ha đất trồng lúa 1 vụ của người dân địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Với việc đầu tư hàng tỷ đồng, sau khoảng 1 năm nỗ lực, gia đình tôi đã hình thành được diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đại, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với 4 vụ nuôi/năm và ứng dụng công nghệ cao hiệu quả, khu nuôi trồng đã mang lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm”.
Tại xã Hòa Lộc, hiện có hàng chục mô hình NTTS có doanh thu tiền tỷ, như gia đình các ông: Đỗ Văn Hải, Đỗ Văn Ngữ, Trần Văn Tuấn, Trịnh Văn Thành… từng bước khẳng định sự ưu việt, hiệu quả kinh tế vượt trội của việc tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để phát triển NTTS.
Khẳng định vai trò là một trong những HTX dẫn đầu toàn tỉnh về NTTS, HTX Dịch vụ NTTS Quảng Chính (Quảng Xương) đã vận động các thành viên tích tụ đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp để hình thành diện tích nuôi trồng đạt giá trị kinh tế vượt trội. Ông Phạm Bá Thảo, Giám đốc HTX cho biết: “Mặc dù mới thành lập tháng 4/2017, song HTX đã tập hợp được những thành viên có kinh nghiệm NTTS lâu năm. Do đó, khi triển khai kế hoạch thuê, thầu, tích tụ đất để mở rộng ao nuôi thương phẩm, hình thành các khu ươm thả con giống…, các thành viên đã hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Đến nay, mỗi thành viên trong HTX đều có từ 1,5ha nuôi thủy sản quảng canh trở lên, tổng diện tích tích tụ của HTX đạt khoảng 176ha. Ngoài ra, HTX còn xây dựng được phân trại sản xuất tôm giống tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) để bảo đảm cung ứng nguồn giống với số lượng và chất lượng ổn định cho các hộ thành viên và một số mô hình tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn… Nhờ đó, doanh thu 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 23 tỷ đồng”.
Việc tích tụ tập trung đất nông nghiệp phát triển nuôi trồng thủy sản đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm cho hàng chục hộ dân tại xã Hòa Lộc (Hậu Lộc).
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn tỉnh đã tích tụ tập trung được khoảng 3.500ha đất nông nghiệp để xây dựng những mô hình NTTS đạt giá trị kinh tế cao. Diện tích này tập trung chủ yếu ở các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển NTTS tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tôm là đối tượng nuôi chủ lực, với hơn 700ha nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, với năng suất trung bình đạt 18,5 tấn/ha/năm.
Hiệu quả kinh tế từ những mô hình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để NTTS đã được khẳng định và đang từng bước lan tỏa trong Nhân dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân tích tụ đất hình thành các vùng nuôi trồng tập trung, lựa chọn những đối tượng con nuôi thủy sản phù hợp. Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ để các hộ NTTS đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần để ngành NTTS của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững, hoàn thành mục tiêu sản lượng NTTS toàn tỉnh năm 2024 đạt 74.500 tấn.
Bài và ảnh: Lê Hòa