Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân xã Yên Trung (Yên Định) ứng dụng phương pháp thủy canh trong trồng trọt.
Trong năm 2024, thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, các mô hình nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi… với tổng kinh phí được giao thực hiện khoảng 667.811 tỷ đồng. Trên cơ sở các nguồn vốn được giao, ngành nông nghiệp, địa phương phân bổ nguồn lực đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia kịp thời và tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, đến tháng 11/2024, toàn tỉnh đã kêu gọi, thu hút được 12 dự án đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn với tổng nguồn vốn 4.163,8 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án có vốn đầu tư lớn, như: Dự án Nhà máy Sản xuất ván tre OSB staBOO Thanh Hóa tại xã Thiết Ống (Bá Thước) do Công ty CP staBOO Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư dự án 3.199 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất chế biến gỗ ghép thanh và các sản phẩm về gỗ tại xã Trường Lâm (thị xã Nghi Sơn) của Công ty TNHH Chế biến gỗ tinh chế Trường Hưng Nghi Sơn, với tổng mức đầu tư dự án 203 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất nước trái cây tại xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) của Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa 2, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng…
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ngọc Lặc Phan Thị Hà, cho biết. Nhờ làm tốt công tác xúc tiến đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nên huyện đã thu hút được các nhà đầu tư triển khai các dự án chăn nuôi, chế biến nước trái cây lớn vào địa bàn. Cùng với đó, phòng tham mưu cho UBND huyện triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với XDNTM.
Việc thu hút được các nguồn lực đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chế biến nông, lâm, thủy sản đến các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp. Từ đó, từng bước tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Cường, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh để tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, như: Cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai… Cùng với đó, ngành nông nghiệp thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác của các chương trình mục tiêu quốc gia… để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi gắn với XDNTM. Trước mắt, ngành nông nghiệp tập trung tham mưu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, ngành tập trung tham mưu xây dựng các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp và XDNTM các giai đoạn tiếp theo, sớm trình các cấp có thẩm quyền ban hành, để triển khai thực hiện.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tich-cuc-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-vao-nong-nghiep-230051.htm