Từ chỗ chỉ thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn, thì nay công tác quản lý, hoạt động kinh doanh, quảng bá du lịch… đã được hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đưa lên môi trường số.
Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Casa Resort (Bá Thước) ứng dụng phần mềm ASM trong quản lý hoạt động lưu trú.
Cổng thông tin du lịch Thanh Hóa tại địa chỉ dulichthanhhoa.org ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và du khách. Cổng thông tin không chỉ cập nhật nội dung tin tức du lịch trong tỉnh mà còn có đa dạng thông tin về các hành trình liên kết, gợi ý lịch trình, phương tiện di chuyển, giúp du khách chủ động hơn trong mỗi chuyến đi cũng như việc tìm kiếm dịch vụ, địa điểm lưu trú, ẩm thực. Cũng thông qua đó, du khách có thêm dữ liệu, thông tin về các khách sạn, resort, villa, homestay tại Thanh Hóa và các địa điểm du lịch khắp cả nước. Bên cạnh đó là hàng trăm tin, bài giới thiệu, cập nhật các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hình ảnh du lịch Thanh Hóa những năm gần đây được giới thiệu rộng rãi đến du khách qua các trang mạng xã hội tạo sự lan tỏa lớn, thu hút du khách với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa”.
Cũng trên môi trường số, tại nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh như: Thành Nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, Di tích lịch sử Đền Nưa – Am Tiên, khu danh thắng Sầm Sơn, Bảo tàng tỉnh… đã được giới thiệu một cách sống động. Thông qua các ứng dụng số như thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), cùng với hệ thống thuyết minh tự động hoặc quét mã QR, du khách có thể tìm hiểu thông tin về điểm đến một cách chủ động, trải nghiệm không gian đa chiều, toàn cảnh, chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch.
Cùng với các điểm đến, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh dịch vụ trong thời gian gần đây đã được hầu hết các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng website, số hóa dữ liệu, kinh doanh trên nền tảng số. Một số đơn vị lữ hành như Lạc Hồng Travel, Lê Gia Travel, VNPlus Travel, Hữu Nghị tour, Long Hải Travel, Trust Viet Travel… đã đẩy mạnh giới thiệu, cung cấp tour và dịch vụ online trên các nền tảng mạng xã hội, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và đẩy mạnh tiếp cận khách hàng qua các kênh online.
Giám đốc điều hành Công ty CP Du lịch quốc tế Hữu Nghị (TP Thanh Hóa) Nguyễn Minh Hiệu cho biết: “Những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ số đã được chúng tôi triển khai đồng loạt từ công tác chăm sóc khách hàng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến quản lý các hoạt động chung của công ty. Nhờ đó, không chỉ tiết kiệm được thời gian và chi phí, mà còn giúp tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành mọi hoạt động, mang đến cho du khách những trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Điển hình là thông qua các trang mạng xã hội hay website của chúng tôi, khách hàng có thể dễ dàng so sánh và tìm hiểu về chương trình tour, vừa thuận tiện cho khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không mất nhiều thời gian tư vấn như cách làm truyền thống trước đây”.
Đối với các cơ sở lưu trú, từ khi sử dụng một số phần mềm quản lý như ASM, KiotViet, Smile… đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát chặt chẽ ở các khâu, giảm bớt nhân sự và nâng cao chất lượng phục vụ khách. Trong đó, phần mềm ASM đang được nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú áp dụng, với 4 chức năng chính gồm: quản lý cơ sở lưu trú; quản lý khách lưu trú tại cơ sở; quản lý các dịch vụ cung cấp; quản lý nhân viên thông qua quy trình từ khi tiếp nhận khách lưu trú tới lúc trả phòng.
Anh Lò Văn Quân (Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Casa Resort, Bá Thước) cho biết: Khu nghỉ dưỡng có 35 phòng, có thể phục vụ tối đa 100 khách lưu trú cùng lúc. Có thời điểm khách lưu trú full phòng dẫn đến quá tải trong quá trình đón tiếp và phục vụ. Tuy nhiên, với việc ứng dụng các phần mềm trong điều hành cũng như kinh doanh dịch vụ nên mọi hoạt động quản lý, điều hành đều thuận tiện, chính xác. Với phần mềm quản lý lưu trú ASM sẽ được kết nối trực tiếp đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau khi du khách đăng ký dịch vụ, bộ phận lễ tân sẽ thực hiện nhập thông tin, quét mã gắn chip trên căn cước công dân lên hệ thống, ngay lập tức phần mềm sẽ cập nhật thông tin đăng ký lưu trú, gửi đến cơ quan công an. Qua đó vừa giúp cơ sở kinh doanh và cơ quan quản lý nhà nước tiết giảm quy trình lưu trữ hồ sơ, giấy tờ và nhanh chóng trong khâu đón tiếp, phục vụ du khách.
Những tiện ích trong ứng dụng công nghệ số đã mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách cũng như địa phương, doanh nghiệp vụ du lịch. Chính vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thuộc dự án “Xây dựng cổng thông tin điện tử về du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động tại tỉnh Thanh Hóa”; triển khai dự án duy trì hoạt động hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý các hoạt động du lịch tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ chuyển đổi số tại một số doanh nghiệp và khu du lịch trọng điểm, với các nội dung ưu tiên như phát triển hạ tầng số, nền tảng số quản trị thông minh, tập huấn chuyển đổi số… nhằm thúc đẩy chuyển đổi số một cách đồng bộ trong lĩnh vực du lịch.
Bài và ảnh: Hoài Anh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tich-cuc-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-du-lich-227318.htm