Thường Xuân là huyện miền núi có hơn 55% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, song hiện nay còn rất ít đồng bào biết viết tiếng Thái. Trước thực trạng này, huyện Thường Xuân đã chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Đồng thời động viên những người am hiểu chữ Thái, tích cực tham gia truyền dạy chữ viết cho đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn huyện.
Tiết học chữ Thái của cô và trò Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Thường Xuân.
Nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân, ngoài nhiệm vụ giảng dạy còn chú trọng tới việc gìn giữ và phát huy giá trị chữ viết của đồng bào dân tộc Thái. Từ năm 2018 đến nay, nhà trường đã đưa chữ Thái vào giảng dạy cho học sinh. Việc làm này đã giúp các em học sinh biết thêm về văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc. Từ đó, các em thấy được trách nhiệm của bản thân và tích cực tham gia gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Cô giáo Cầm Thị Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân cho biết: Nhà trường hiện có 240 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, vì thế chúng tôi rất quan tâm đến việc dạy chữ Thái cho học sinh. Đến với các giờ học này, các em đón nhận rất hào hứng. Sau khi học xong, hơn 60% học sinh có thể đọc và biết viết chữ Thái. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế trong cuộc sống và học tập, học sinh không sử dụng chữ Thái, nên có thể học xong lại quên. Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có những giải pháp hữu hiệu, để việc học chữ Thái mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ năm 2018 đến nay, huyện Thường Xuân đã phối hợp với Hội Dân tộc học và Nhân học tỉnh Thanh Hóa mở được 2 lớp học chữ Thái, với hơn 100 học viên tham gia học tập và được cấp chứng chỉ. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên đã tích cực truyền dạy lại cho những người khác, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc học chữ Thái.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Giáp, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Thái nói riêng, huyện Thường Xuân đang xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết; nghệ thuật trình diễn dân gian và hoạt động lễ hội dân tộc Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân”. Từ đó, có những định hướng cụ thể cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thường Xuân. Đối với tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, huyện Thường Xuân phấn đấu đến năm 2030 có 100% thành viên trong gia đình người Thái nói được tiếng của dân tộc mình; 100% học sinh người dân tộc Thái từ tiểu học trở lên, giao tiếp thành thạo bằng tiếng Thái. Năm 2025, 100% các thôn có đồng bào dân tộc Thái sinh sống sẽ lấy việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết của người Thái để làm tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Thường Xuân tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy chữ Thái. Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Thái và cấp chứng chỉ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác ở các địa phương trên địa bàn huyện. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ nhân, giáo viên có kiến thức, kỹ năng trong việc truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái.
Bài và ảnh: Xuân Anh