Cùng với việc phát huy các tiềm năng, lợi thế về giao thông, đất đai, nguồn nhân lực, những năm qua huyện Thường Xuân đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Sản xuất ván ép xuất khẩu của Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa ở xã Luận Thành.
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh và sự giúp đỡ của UBND huyện Thường Xuân về thủ tục hành chính, mặt bằng, tháng 8-2023 Công ty Giày Thường Xuân quyết định xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu trên diện tích 5 ha, với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng tại thôn Thống Nhất, xã Xuân Dương. Dự kiến năm 2024 nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, quy mô mỗi năm xuất khẩu 2,2 triệu sản phẩm, tạo việc làm cho 2.000 lao động tại địa phương.
Sau 5 năm đi vào hoạt động, sản phẩm ván ép xuất khẩu của Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa ở xã Luận Thành đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Anh Nguyễn Đình Hoàn, phụ trách nhà máy cho biết: Nhận thấy trên địa bàn huyện có nguồn nguyên liệu gỗ cùng nguồn lao động dồi dào phục vụ cho chế biến xuất khẩu, năm 2018 công ty đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ở xã Luận Thành trên diện tích 5 ha, với giá trị đầu tư gần 50 tỷ đồng, chuyên sản xuất các mặt hàng ván ép tinh xuất khẩu đi các nước Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc. Đến nay, nhà máy hoạt động sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Về lâu dài, công ty tiếp tục mở rộng sản xuất, đồng thời liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tiến tới trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, những năm gần đây huyện Thường Xuân đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện. Huyện tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội toàn huyện; quy hoạch, định hướng vùng sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, huyện thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối các vùng, các đầu mối giao thông quan trọng, nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn. Hiện, trên địa bàn huyện có 28 dự án đầu tư kinh doanh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, tho thuê đất. Trong đó, có 19 dự án đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 127,966 ha, 9 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ. Nhiều dự án lớn như Nhà máy South Fanme Garments Limitend với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; Nhà máy Giày Thường Xuân với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng, Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa; Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Sơn Lâm; Nhà máy sản xuất gỗ cao cấp DOKATA… thu hút được nhiều lao động. Bên cạnh đó, huyện đã quy hoạch Cụm Công nghiệp thị trấn Thường Xuân và Cụm Công nghiệp Khe Hạ (Luận Thành). Các cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất được hình thành, đi vào hoạt động, đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, đến nay Thường Xuân có 142 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho trên 3.500 lao động.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị cho ý kiến vào chủ trương đầu tư các dự án của Tập đoàn TH tại huyện Thường Xuân. Theo đó, Tập đoàn TH đề xuất 4 chủ trương đầu tư các dự án tại huyện Thường Xuân. Những dự án này có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Nếu các dự án triển khai thành công sẽ khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo động lực để huyện phát triển nhanh và bền vững.
Bài và ảnh: Khắc Công