Sáng 29-8, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị duyệt nội dung, chương trình Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023- 2028. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 9-2023. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội được xây dựng với chủ đề: “Phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng thịnh vượng; nêu cao vai trò chủ thể, trung tâm của giai cấp nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh, hiện đại, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc”.
Các đại biểu dự hội nghị.
Dự thảo Báo cáo chính trị gồm 2 phần. Phần thứ nhất: Đánh giá kết quả công tác hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018-2023; phân tích những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Phần thứ 2 là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, phương châm hành động là: “Đoàn kết – Đổi mới – Hợp tác – Phát triển”; đồng thời đề ra các chỉ tiêu hằng năm và chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ; 2 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu…
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Bình Quân trình bày dự thảo báo cáo chính trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh Báo cáo chính trị trình Đại hội, trong đó các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ chủ đề Đại hội; đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2018-2023; các mục tiêu, chương trình, giải pháp cho nhiệm kỳ tới; đồng thời đề nghị điều chỉnh một số công việc cụ thể trong dự kiến chương trình Đại hội đảm bảo hợp lý, khoa học.
Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đồng chí Trần Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đánh giá cao Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023 đã chỉ đạo thành công đại hội Hội Nông dân cấp cơ sở. Cùng với đó, công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023- 2028 cơ bản đã hoàn thành.
Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp thu một cách đầy đủ những ý kiến xác đáng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành tại hội nghị.
Đồng chí cho ý kiến cụ thể vào chương trình Đại hội; báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, chủ đề Đại hội cần được sửa lại là: “Đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh; tiếp tục khẳng định vai trò chủ thể của giai cấp nông dân tỉnh nhà trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh”.
Cho ý kiến về tình hình nông nghiệp trong nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cần đánh giá thêm về sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị đã được hình thành và phát triển. Thu hút đầu tư vào nông nghiệp trong những năm vừa qua đạt kết quả tích cực, một số dự án quy mô lớn được triển khai. Ứng dụng khoa học – công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được triển khai hiệu quả.
Về tình hình nông dân, cần đánh giá thêm nông dân Thanh Hóa từng bước thể hiện vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời khẳng định đời sống nông dân được cải thiện, điều kiện đi lại, học hành được nâng lên kể cả vùng sâu, vùng xa.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Về tình hình nông thôn, cần đánh giá thêm về các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn được đổi mới, phát huy hiệu quả; kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; môi trường sống, sản xuất ở nông thôn được quan tâm cải thiện.
Về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đánh giá thêm một số tồn tại, hạn chế đó là: Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa bền vững, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh đang còn thấp; bảo quản chế biến trong nông nghiệp còn hạn chế; xuất khẩu sản phẩm thô vẫn còn yếu. Một bộ phận nông dân còn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại; liên kết với nhau để sản xuất còn yếu; một số nơi sản xuất tự phát không theo quy hoạch dẫn đến sản phẩm dư thừa.
Các đại biểu dự hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị báo cáo chính trị cần được bố cục lại cho hợp lý để nêu bật được vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân giai đoạn 2018-2023. Trong đó, bố cục cần nêu bật được công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh hội trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong xây dựng tổ chức hội, xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp.
Nêu bật những kết quả mà Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới… Các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được các cấp hội tổ chức thực hiện có hiệu quả. Công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm được các cấp hội nông dân tích cực tham gia. Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; vận động hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể được chỉ đạo quyết liệt và đi vào thực chất.
Toàn cảnh hội nghị.
Đồng chí cũng phân tích làm rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải được đưa vào báo chính trị để có giải pháp khắc phục như: Hội nông dân một số nơi chưa làm tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho nông dân; việc tham gia phản biện, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới còn hạn chế; một số nơi chưa làm tốt việc triển khai, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với phương hướng chung của dự thảo báo cáo và đề nghị các chỉ tiêu chủ yếu cần tuân thủ đúng yêu cầu theo bộ chỉ tiêu của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, và từ các mục tiêu này phản ánh sự đi lên của giai cấp nông dân và nông thôn Thanh Hóa.
Đồng chí thống nhất 2 chương trình trọng tâm đó là: Các cấp hội nông dân tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chi hội và cơ sở hội.
Các đại biểu dự hội nghị.
Cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm giải pháp về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết đông đảo hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, toàn diện. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của hội nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân ngày càng vững mạnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chung tay xây dựng nông thôn mới và thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các hoạt động dịch vụ tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể một cách hiệu quả. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng – an ninh; công tác đối ngoại và hợp tác phát triển.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ban, ngành, cơ quan báo chí tuyên truyền đậm nét về Đại hội, để Đại hội thật sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc trong hội viên nông dân và Nhân dân toàn tỉnh. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho Đại hội.
Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh hoàn chỉnh lại chương trình Đại hội, Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành theo quy định; đồng thời xây dựng báo cáo tóm tắt cho phù hợp để trình bày tại Đại hội.
Quốc Hương