Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng yêu cầu. Báo cáo chính trị trình Đại hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đánh giá được kết quả đạt được trong hoạt động của Công đoàn Thanh Hóa nhiệm kỳ qua cũng như chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế.
Chiều 21-8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị duyệt nội dung, chương trình Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 9-2023. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội được xây dựng với tiêu đề: “Đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Thanh Hóa vững mạnh toàn diện; nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tiên phong hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”.
Dự thảo Báo cáo chính trị gồm 2 phần. Phần thứ nhất đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2018-2023; phân tích những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Phần thứ 2 là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, phương châm hành động là: “Đổi mới – Dân chủ – Đoàn kết – Phát triển”; đồng thời đề ra các chỉ tiêu hàng năm và chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ, 3 khâu đột phá, 10 nhóm giải pháp chủ yếu…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm hoàn chỉnh Báo cáo chính trị trình Đại hội. Trong đó, các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ chủ đề Đại hội; đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2018-2023; các mục tiêu, chương trình, giải pháp cho nhiệm kỳ tới; đồng thời đề nghị điều chỉnh một số công việc cụ thể trong dự kiến chương trình Đại hội đảm bảo hợp lý, khoa học.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đánh giá cao Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2018-2023 đã chỉ đạo thành công đại hội Công đoàn cấp cơ sở. Cùng với đó, công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028 được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng yêu cầu. Báo cáo chính trị trình Đại hội được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đánh giá được kết quả đạt được trong hoạt động của Công đoàn Thanh Hóa nhiệm kỳ qua cũng như chỉ ra được những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó xác định được mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trong nhiệm kỳ tới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, sau buổi duyệt nội dung, chương trình Đại hội, Liên đoàn Lao động tỉnh báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để duyệt các văn kiện và nhân sự cho Đại hội, trên cơ sở đó sớm bắt tay vào triển khai, chuẩn bị Đại hội một cách chu đáo, kỹ lưỡng, khoa học, để Đại hội diễn ra trang trọng, nghiêm túc và đạt kết quả tốt nhất.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các ban, ngành, cơ quan báo chí tuyên truyền đậm nét về Đại hội, để Đại hội thật sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu sắc trong công nhân, viên chức, người lao động và trong Nhân dân toàn tỉnh.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiến hành các bước quy trình nhân sự theo đúng đề án được duyệt, với tinh thần khách quan, dân chủ, công tâm và đúng quy định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp thu một cách đầy đủ những ý kiến xác đáng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành tại hội nghị. Đồng chí cũng đã cho ý kiến cụ thể vào chương trình Đại hội; báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong đó, tiêu đề Đại hội cần được sửa lại là: “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Thanh Hóa vững mạnh toàn diện; nâng cao vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tiên phong hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng”.
Cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2018-2023, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cần đánh giá thêm về hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động; công tác tham gia phòng, chống dịch COVID-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Về công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn cần được đánh giá thật đậm nét đối với tổ chức bộ máy công đoàn từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp như thế nào trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đồng chí cũng đã phân tích làm rõ một số tồn tại, hạn chế cần phải được đưa vào báo chính trị để có giải pháp khắc phục như: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các cơ quan, doanh nghiệp ở một số nơi còn hình thức. Tiếng nói của tổ chức Công đoàn tại một số cơ quan, doanh nghiệp chưa mạnh mẽ và hiệu quả. Việc triển khai xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, nhất là trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và TP Thanh Hóa chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, Khu Kinh tế Nghi Sơn và một số khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ còn trầm lắng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với phương hướng chung và các chỉ tiêu chủ yếu được nêu trong dự thảo báo cáo; đồng thời đề nghị điều chỉnh 3 khâu đột phá thành 2 khâu đột phá đó là: Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới phương thức hoạt động, trọng tâm là chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động tiên phong, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng” giai đoạn 2021-2030.
Cho ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị báo cáo cần bổ sung thêm giải pháp về tiếp tục đề xuất xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động tại các khu công nghiệp; quan tâm đến đời sống, tinh thần cho người lao động trong các khu công nghiệp và Khu Kinh tế Nghi Sơn. Thường xuyên tổ chức các giải giao lưu văn hóa, thể thao trong công nhân viên chức lao động. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động vào tổ chức công đoàn. Trong đó, có giải pháp phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng đoàn viên, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động. Đẩy mạnh sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của tổ chức công đoàn. Đổi mới đánh giá, xếp loại chất lượng hoạt động của các tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn…
Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh hoàn chỉnh chương trình Đại hội, Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành theo quy định; đồng thời xây dựng báo cáo tóm tắt cho phù hợp để trình tại Đại hội, cũng như chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Đại hội.
Quốc Hương