Nhìn lại 9 tháng qua, ngành thương mại dịch vụ đã điểm thêm nhiều mảng màu sáng cho bức tranh tổng thể kinh tế của tỉnh nhà. Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển nhanh và ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ liên tục tăng qua từng tháng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có vai trò quan trọng trong chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và chỉ tiêu tăng thu ngân sách của tỉnh.
Siêu thị Co.op Mart Thanh Hóa kinh doanh đa dạng chủng loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.
Từ đầu năm đến nay, nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của người dân tương đối cao, nhiều du khách trên địa bàn cả nước đã chọn Thanh Hóa là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, giúp tỉnh nhà thu hút lượng khách du lịch lớn. Song, nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm luôn được bảo đảm để phục vụ người dân lẫn khách du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Đại diện nhà hàng hải sản Hồng Thanh (TP Sầm Sơn) chia sẻ: lượng khách du lịch về Sầm Sơn năm nay tương đối lớn, khách ghé thưởng thức hải sản hầu như ngày nào cũng đông, giúp doanh thu của nhà hàng tăng từ 20 – 30% trong 3 tháng hè. Bước sang quý IV, dù lượng khách du lịch giảm đi nhiều, nhưng nhà hàng vẫn sẽ tiếp tục quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội cũng như tổ chức thêm một số chương trình giảm giá để thu hút khách hàng địa phương.
Là một trong số những “ông lớn” trong ngành bán lẻ, tính từ đầu năm đến nay, doanh số kinh doanh của Co.op Mart Thanh Hóa đã tăng trưởng hơn 15% so với cùng kỳ. Để đáp ứng xu hướng tiêu dùng tăng cao, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Co.opmart Thanh Hóa: Ngay từ quý III, đơn vị đã tăng cường nhập thêm nguồn hàng để chủ động dự trữ, bình ổn giá cả. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2023. Nhờ nguồn cung hàng hóa dồi dào, thị trường giá cả cơ bản ổn định, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại được đầu tư mở rộng… đã tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng thương mại – dịch vụ. Trong xu hướng kinh doanh hiện đại, nhiều đơn vị cũng đã chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử để khai thác các thị trường, khách hàng mới.
Từ đầu năm đến nay, nhu cầu du lịch và nghỉ dưỡng của người dân tương đối cao, nhiều du khách trên địa bàn cả nước đã chọn Thanh Hóa là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng, giúp tỉnh nhà thu hút lượng khách du lịch lớn. Song, nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm luôn được bảo đảm để phục vụ người dân lẫn khách du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tính hết tháng 9/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 128.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ… |
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, trong 12 chỉ tiêu phát triển về kinh tế của tỉnh, lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã có nhiều tín hiệu mang tính tích cực. Tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong cơ cấu tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tính hết tháng 9/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 128.000 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ, bằng 73,1% so với kế hoạch năm. Trong đó một số ngành, hàng tăng cao như lương thực, thực phẩm tăng 19,3%; dịch vụ lưu trú tăng 37,3%; ăn uống tăng 31,5%; du lịch tăng 39,6%. Trong ngành bán lẻ, có tới 11/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng so với năm 2022 với mức tăng từ 2% đến gần 30%.
Cũng theo đánh giá của Sở Công Thương, trong 9 tháng qua, các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh được triển khai, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực ngành, trong đó có hoạt động thương mại – dịch vụ và xuất khẩu. Ngoài ra, sở còn tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại để triển khai tổ chức các phiên chợ kết nối cung – cầu về nông thôn năm 2023; tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2023… Nhờ vậy, tình hình thị trường hàng hóa, dịch vụ tương đối ổn định, sức mua tiêu dùng tăng cao, lượng hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá đột biến.
Bên cạnh thuận lợi, hoạt động dịch vụ thương mại cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Các loại hình dịch vụ thương mại tuy dần đa dạng hóa nhưng tỷ trọng giá trị trao đổi hàng hóa giữa các loại hình dịch vụ thương mại chưa đồng đều; hạ tầng thương mại có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa tạo được bước đột phá cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Để thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại trên địa bàn tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị doanh nghiệp, ngành công thương Thanh Hóa đã chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá có tác động lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy áp dụng thương mại điện tử theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Kế hoạch số 210/KH-UBND, ngày 2/10/2020 giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tạo nên môi trường mua bán minh bạch hơn.
Bài và ảnh: Chi Phạm