Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (VCVT&LH), cấp ủy, chính quyền huyện Thiệu Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân. Nhờ đó, việc thực hiện nếp sống văn minh đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa Nhân dân, góp phần xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh.
Lễ hội truyền thống xã Thiệu Trung.
Để lan tỏa nếp sống mới trong thực hiện VCVT&LH, huyện Thiệu Hóa đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nếp sống văn minh trong VCVT&LH.
Để việc thực hiện nếp sống văn minh lan tỏa trong cộng đồng dân cư, huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa – Thông tin hướng dẫn các địa phương đưa nội dung thực hiện nếp sống mới vào quy ước, hương ước thôn. Cùng với đó, đưa các nội dung về thực hiện VCVT&LH vào tiêu chí đánh giá, bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn văn hóa; gắn việc thực hiện nếp sống văn minh với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Một trong những giải pháp được huyện Thiệu Hóa thực hiện hiệu quả đó là đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép với các buổi sinh hoạt, cuộc họp tại địa phương. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của Nhân dân về việc thực hiện nếp sống mới.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện luôn nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, góp ý, nhắc nhở kịp thời những hiện tượng tiêu cực, hủ tục… Bên cạnh đó, các địa phương đã tổ chức cho Nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong VCVT&LH. Qua đó, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở theo hướng văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống địa phương.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong VCVT&LH của huyện Thiệu Hóa, 100% đám cưới, đám tang và lễ hội trên địa bàn huyện đều thực hiện văn minh, lịch sự, tiết kiệm. Trong việc cưới, nam nữ tự nguyện kết hôn, cùng nhau thực hiện tốt Luật Hôn nhân gia đình, đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục hành chính. Một số thủ tục lạc hậu, nghi thức thách cưới rườm rà đã được loại bỏ, không tổ chức ăn uống linh đình, mở loa đài quá công suất. Đối với việc tang, nhiều gia đình đã lựa chọn hình thức hỏa táng, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, văn minh, lịch sự; các hủ tục như khóc mướn, rải vàng mã trên đường được xóa bỏ.
Các lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống của từng địa phương, tôn vinh các anh hùng dân tộc, thành hoàng làng. Tiêu biểu như Lễ hội truyền thống xã Thiệu Trung được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ, ca ngợi công đức của Nhà sử học Lê Văn Hưu. Lễ hội được tổ chức văn minh với các nghi thức truyền thống. Ngoài ra, tại lễ hội, địa phương đã tổ chức các trò chơi, trò diễn truyền thống để người dân tham gia, tạo không khí đoàn kết, vui tươi trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, tại lễ hội không có hiện tượng lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan hay bán hàng rong, ăn xin.
Để phong trào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có sức lan tỏa hơn nữa, huyện Thiệu Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của người dân. Đồng thời, tập trung chỉ đạo, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; gắn tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước, hương ước và việc bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa, danh hiệu thi đua của cán bộ, đảng viên.
Bài và ảnh: Thùy Linh