Những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành chính sách, cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại thị trấn Thiệu Hóa.
Với những ưu điểm về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật và thị trường tiêu thụ, Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, những năm trước đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ lẻ quy mô nông hộ, hình thức chăn nuôi lạc hậu, ô nhiễm môi trường ở khu dân cư… Trước thực trạng đó, tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, như: Quyết định 271/2011/QĐ-UBND; cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 151/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/2015; Quyết định số 5643/QĐ-UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020… Hiện đã có 575 trang trại chăn nuôi được đầu tư xây dựng, hình thành tư duy phát triển cho người dân và mở ra hướng phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn; 34 khu trang trại tập trung quy mô lớn được đầu tư. Từ đó, đã tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025; Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về ban hành chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025… Ngay sau khi các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ban hành, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực tuyên truyền các nội dung của các nghị quyết, chính sách thông qua nhiều hình thức để người dân tiếp cận. Theo đó, chính sách hỗ trợ phát triển vùng rau an toàn tập trung đã hỗ trợ cho 45 tổ chức, cá nhân sản xuất 247,5 ha rau an toàn tập trung; xây dựng 582.349m2 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ làm đường lâm nghiệp cho 4.400 ha vùng trồng rừng sản xuất tập trung; hỗ trợ hạ tầng cho 6 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung; thực hiện hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền, thiết kế bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP… Nhờ tích tụ tập trung đất đai đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện liên kết sản xuất, hình thành các mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu, dưa lưới… cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm; trồng cây ăn quả tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc… cho thu nhập 500 triệu đồng/ha; chuyển đổi đất muối, đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao đã mang lại thu nhập từ 1 tỷ đồng/ha/năm trở lên…
Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã có các cơ chế riêng để khuyến khích, hỗ trợ người dân sản xuất. Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: “Để khuyến khích người dân sản xuất, huyện đã có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân, cá nhân trồng các loại cây vụ đông như: hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với diện tích sản xuất ngô ngọt, ngô sinh khối liền vùng quy mô từ 3 ha trở lên; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với diện tích sản xuất khoai tây, ớt, đậu tương rau, bí đỏ liền vùng quy mô từ 2 ha trở lên; hỗ trợ 200 nghìn đồng/ha đối với ban chỉ đạo sản xuất vụ đông các xã, thị trấn đạt chỉ tiêu huyện giao (từ 100% trở lên đối với từng loại cây trồng và từ 100% trở lên tổng diện tích)…
Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ chế, chính sách đều được các địa phương, doanh nghiệp và người dân ủng hộ, triển khai thực hiện tích cực, có hiệu quả, góp phần tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, tập trung; khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đầu tư xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi, từ đó thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Ngọc