Chiều 12/1, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự hội nghị có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo UBND, lãnh đạo phòng dân tộc 11 huyện miền núi; cán bộ phụ trách công tác dân tộc ở các huyện Yên Định, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn và thị xã Nghi Sơn.
Đồng chí Mai Xuân Bình, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Triển khai hiệu quả công dân tộc
Năm 2023, công tác dân tộc (CTDT) luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện và đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh quan tâm, theo dõi, nhờ vậy việc thực hiện CTDT năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng- an ninh (QP-AN) vùng DTTS&MN nói riêng và của tỉnh nói chung.
Quang cảnh hội nghị.
Trong năm 2023, Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về CTDT, trong đó thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao và các chính sách dân tộc do Ủy ban Dân tộc quản lý. Nổi bật là việc phối hợp trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình 1719), thể hiện rõ trách nhiệm với vùng đồng bào DTTS&MN. Một số địa phương đã nỗ lực trong tổ chức triển khai, tổ chức lồng ghép nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của chương trình.
Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; giải quyết tốt các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài và vượt cấp.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS&MN luôn được giữ vững. Đồng bào vùng DTTS&MN trong thời gian qua luôn có tư tưởng ổn định, không dao động, làm theo các quan điểm sai trái, thù địch; thực hiện theo quan điểm, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đối với các huyện vùng DTTS&MN, đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành vùng đồng bào DTTS để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc năm 2023. Nội dung chỉ đạo CTDT, chính sách dân tộc đã được đưa vào chương trình công tác năm của huyện. Cấp ủy và chính quyền các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan làm CTDT, UBND các xã tham mưu cho UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về CTDT.
Tạo chuyển biến vùng đồng bào DTTS&MN
Năm 2023, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào DTTS&MN trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, chính sách tại vùng DTTS&MN nên đời sống của người dân năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao.
Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 35.320 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ: 3,52%; 55.797 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ: 5,57%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền núi còn 25.651 hộ, chiếm tỷ lệ 11,04%; giảm 4,15% so với cuối năm 2022; Tỷ lệ hộ cận nghèo ở 11 huyện miền núi còn 32.551 hộ, chiếm tỷ lệ 14,01% giảm 3,06% so với cuối năm 2022. Hộ nghèo DTTS cuối năm 2023 còn 23.541 hộ, chiếm tỷ lệ 14,75% (giảm: 8.632 hộ, tỷ lệ giảm 5,11% so với cuối năm 2022).
Trên địa bàn 11 huyện miền núi có 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 4 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 65 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Lũy kế đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi đã có 64/163 xã (đạt 39,3%), 647 thôn, bản (đạt 35%) được công nhận đạt chuẩn NTM, 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; có 55 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 101 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao (sản phẩm Ống hút tre, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân).
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế của tỉnh và thực hiện đồng thời 3 Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình 1719 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào.
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được các ngành, địa phương quan tâm, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân các huyện miền núi luôn được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giữ ổn định. Các lực lượng vũ trang tăng cường tuần tra, bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình địa phương, trên các tuyến biên giới; thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Đồng bào vùng DTS&MN trong thời gian qua luôn có tư tưởng ổn định, không giao động, làm theo các quan điểm sai trái, thù địch.
Phát huy những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về CTDT năm 2024, đó là: Ban Dân tộc tỉnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ và kịp thời các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Khẩn trương tham mưu tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Chương trình, đề án, chính sách dân tộc trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục giải ngân vốn của các dự án, phải ưu tiên giải ngân hết số vốn năm 2022 được kéo dài sang năm 2023 và vốn năm 2023. Đối với UBND cấp huyện, chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND cấp xã hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư đối với các dự án khởi công mới thuộc các chương trình MTQG năm 2023, làm cơ sở để giao kế hoạch chi tiết theo quy định.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc theo đúng kế hoạch đề ra như: chính sách đối với người có uy tín; đề án điểm, điển hình giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; triển khai nắm bắt, kiểm tra, trao đổi thông tin về tình hình CTDT và thực hiện chính sách dân tộc của địa phương bằng nhiều hình thức; tổ chức sơ kết, đánh giá, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành trong việc xây dựng văn bản chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát chính sách dân tộc…
Ngọc Huấn