Trong thời gian qua, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nói chung, trong đó có lĩnh vực trồng trọt nói riêng được ban hành đã tạo động lực thu hút người dân, doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích canh tác.
Người dân xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) chăm sóc cây màu vụ đông.
Thực hiện Nghị quyết số 110/NQ-HĐND ngày 19/12/2021 của HĐND huyện Thọ Xuân về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, huyện đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới. Qua đó, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã hình thành các khu sản xuất nhà màng, nhà lưới đủ điều kiện hỗ trợ tại các xã Thọ Hải 2ha, Thọ Lập 2,1ha, Thuận Minh 1ha, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân Lê Thị Dung, thông qua các cơ chế hỗ trợ từ năm 2021 đến tháng 10/2024 trên địa bàn huyện thu hút được 8 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện phòng đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ theo quy định với mức hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình. Trong năm 2025 cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ của các cấp, huyện Thọ Xuân thực hiện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gạo Thọ Xuân để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển liên kết sản xuất.
Nhằm tạo động lực, khuyến khích phát triển cây trồng, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 về chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025. Từ năm 2020 đến tháng 10/2024, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 4.380,9ha diện tích sản xuất với kinh phí gần 26 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ chuyển nhượng quyền sử dụng đất 5,5ha, kinh phí 632,2 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí thuê đất 4.375,4ha, kinh phí 25,3 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ đã tạo động lực, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao.
Ngoài chính sách của tỉnh, các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Nga Sơn, Hoằng Hóa… cũng đã ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, XDNTM, trong đó có nội dung hỗ trợ thực hiện mô hình phát triển cây trồng. Các địa phương cũng lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ khuyến khích sản xuất cây trồng vụ đông trên địa bàn. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trồng trọt đã ban hành trong thời gian qua đang được các địa phương, doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ thực hiện. Qua đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu trong sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng quy mô lớn, công nghệ cao.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của ngân sách Nhà nước, các địa phương đã huy động được các nguồn vốn từ doanh nghiệp, HTX để phát triển cây trồng chủ lực. Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh là cầu nối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản giữa người dân và doanh nghiệp, hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá”…
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vũ Quang Trung, cho biết: Thời gian tới đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có phát triển ngành trồng trọt. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 17/10/2019 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách khuyến khích tích tụ tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025; hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn dựa trên lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh của từng địa phương để mở rộng thị trường.
Cùng với đó, đơn vị rà soát các cơ chế chính sách phát triển trồng trọt đã hết hiệu lực thi hành. Qua đó tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế chính sách mới, trình HĐND tỉnh ban hành để tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đúng định hướng phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Trước mắt đơn vị đang lấy ý kiến của các địa phương để tổng hợp xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ mới ban hành.
Bài và ảnh: Lê Hợi
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thuc-hien-cac-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-trong-trot-229101.htm