Nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và người tiêu dùng, thời gian qua, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn. Đồng thời, ngành nông nghiệp, các địa phương đang khuyến khích người dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để phát triển bền vững.
Vùng sản xuất dưa lê đạt chuẩn hữu cơ của nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, xã Thành Minh (Thạch Thành).
Vốn là xã miền núi khó khăn nên người dân trên địa bàn xã Thanh Kỳ (Như Thanh) luôn phát triển nông nghiệp truyền thống, thủ công và chưa bỏ được thói quen lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, những sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu tiêu thụ tự do trên thị trường, chưa hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Nhận thức rõ vấn đề trong phát triển nông nghiệp tại địa phương và nắm bắt thị hiếu của thị trường, từ năm 2022, gia đình chị Hà Thị Lan, thôn Thanh Xuân đã ấp ủ giấc mơ phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Chị Lan cho biết: “Xu hướng của thị trường là sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… nên khi sản phẩm làm ra không đạt các tiêu chuẩn, chất lượng nói trên thì sẽ khó tiêu thụ, nhất là ở những thị trường khó tính. Vì vậy, tôi đã học hỏi kinh nghiệm, đầu tư hàng trăm triệu đồng để “hiện đại hóa” khu sản xuất nông nghiệp của gia đình nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đạt giá trị kinh tế cao”.
Được biết, gia đình chị Hà Thị Lan đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng để xây dựng nhà màng, nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tự động để sản xuất hơn 800m2 rau, củ, quả an toàn. Nhờ kiên trì với hướng phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, từ năm 2023, diện tích sản xuất của gia đình chị Lan đã ổn định với 3 vụ sản xuất/năm. Những sản phẩm, như: dưa vàng, dưa lê, rau, củ theo hướng hữu cơ của gia đình chị Lan được tiêu thụ rộng rãi tại một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn tại TP Thanh Hóa, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình chị Lan đang hoàn thành chứng nhận sản xuất VietGAP và dự kiến mở rộng quy mô sản xuất, hướng dẫn, tập hợp một số hộ dân đang có xu hướng sản xuất “sạch” tại địa phương liên kết, hình thành một địa chỉ sản xuất tin cậy, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường.
Là một trong số ít những đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, tại thôn Cẩm Bộ, xã Thành Minh (Thạch Thành) đã xây dựng được hơn 15.500m2 sản xuất các sản phẩm chứng nhận hữu cơ, như: hành, tỏi, dưa lê và lúa. Chị Trương Thị Hiên Hiên, nhóm trưởng nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, cho biết: “Thông qua việc tham gia hội thảo, tập huấn ở một số hội nghị của huyện và các tổ chức phi chính phủ, chúng tôi nhận thấy, chỉ có sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng hữu cơ mới nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ năm 2022, nhóm 14 hộ dân địa phương đã liên kết, hỗ trợ và xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ Cẩm Bộ. Đến nay, sau hơn 2 năm phát triển, sản phẩm của chúng tôi đã được tin dùng, tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, TP Thanh Hóa thông qua các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Thông qua sự thành công bước đầu của nhóm sản xuất, phong trào làm nông nghiệp sạch đã lan tỏa mạnh mẽ tại xã Thành Minh, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn của xã đạt 5,05ha.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, xu hướng sản xuất nông nghiệp an toàn (VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ) đã và đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, với 2.471,8ha sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP; 13,6ha đạt chứng nhận hữu cơ và khoảng 5.100ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, chủ thể luôn tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu theo các tiêu chuẩn, lựa chọn phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh để chăm sóc cây trồng. Nhật ký chăm sóc cây trồng được ghi chép hàng ngày, từ bón phân, phòng bệnh đến phủ màng nilon bảo vệ cây trồng… Nhờ vậy, các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, năng suất, chất lượng tốt, lợi nhuận cao hơn 20 – 30% so với canh tác theo phương pháp truyền thống.
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 16/10/2022 về việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 – 2030 để thực hiện, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng các cơ chế, chính sách về tích tụ, tập trung đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân… để hỗ trợ, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ theo các chuỗi giá trị… Từ đó tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thuc-day-san-xuat-nong-nghiep-an-toan-222607.htm