Công tác đối ngoại nói chung, ngoại giao kinh tế nói riêng, đã và đang góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, đòi hỏi nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế càng phải được củng cố hơn bao giờ hết.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Niigata, Nhật Bản và tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Ảnh: Minh Hiếu
Công tác ngoại giao kinh tế được xác định là một nhiệm vụ quan trọng, luôn được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Theo đó, Thanh Hóa đã và đang tăng cường mở rộng quan hệ với một số tỉnh, thành phố của các nước và các tổ chức quốc tế. Điển hình là việc chú trọng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác toàn diện, hiệu quả với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị như TP Seongnam (Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (CHLB Đức), tỉnh Farwaniyah (Cô-oét); tăng cường trao đổi thông tin, tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Tula (Liên bang Nga), tỉnh Niigata (Nhật Bản)…
Hồi cuối tháng 11/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm, làm việc với Tập đoàn Sumitomo. Đây là tập đoàn đã tiến hành khảo sát đầu tư tại Khu Công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa và trung tâm tiếp vận, phát triển đô thị xung quanh khu công nghiệp, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 350 triệu USD. Cùng với đó, việc tỉnh Thanh Hóa và Tập đoàn Sumitomo ký Biên bản ghi nhớ đã đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác cùng thành công giữa hai bên. Như khẳng định của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại cuộc làm việc với lãnh đạo tập đoàn: Tỉnh Thanh Hóa luôn coi sự thành công của nhà đầu tư Nhật Bản là sự thành công của tỉnh Thanh Hóa!
Cùng với việc nâng cao chất lượng các hoạt động đối ngoại, tỉnh Thanh Hóa luôn đặt trọng tâm vào lĩnh vực ngoại giao kinh tế, nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh; đồng thời, tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Để có được điều đó, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư để vừa kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư, vừa tháo gỡ các khó khăn cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, để tạo cầu nối cho việc thúc đẩy các hoạt động ngoại giao kinh tế, tỉnh đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đặc biệt tỉnh Thanh Hóa; thành lập Bộ phận Hỗ trợ Nhật Bản tại tỉnh Thanh Hóa (Japan Desk)…
Với sự nỗ lực trong thiết lập và duy trì các mối quan hệ kể trên, đã tạo tiền đề quan trọng để Thanh Hóa thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư vào địa phương. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 161 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,65 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong công tác đối ngoại thời gian tới, mà trọng tâm là ngoại giao kinh tế, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã ký với các địa phương, đối tác nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương, đối tác mới, có tiềm năng tại khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ… Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; đẩy mạnh quảng bá về thành tựu phát triển kinh tế – xã hội, truyền thống văn hóa, lịch sử, tiềm năng, cơ hội đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa đến bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào Thanh Hóa ở nước ngoài để nâng cao vị thế, thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, mà trọng tâm là vận động, thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn, phù hợp với định hướng ưu tiên của tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ đầu tư. Chủ động tham gia hoạt động hợp tác với các đối tác toàn cầu như WB, IMF, ADB… nhằm tranh thủ tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển của tỉnh. Ngoài ra, tập trung nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; các thỏa thuận hợp tác về lao động với các thị trường trọng điểm…
Đặc biệt, hướng đến xây dựng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trong nước, nước ngoài để nắm bắt thông tin, giải đáp thắc mắc và xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, diễn đàn xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực để thu hút đầu tư, tận dụng hiệu quả xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đề thu hút đầu tư mới, đầu tư xanh, đầu tư chất lượng cao, gắn với chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng tiến hành rà soát, hoàn thiện, xây dựng các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư trong các ngành chiến lược vào các địa bàn trọng điểm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đối ngoại trong thẩm định, xử lý vướng mắc trong các dự án quan trọng có yếu tố nước ngoài hoặc nhạy cảm về đối ngoại trên địa bàn. Tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì, củng cố các thị trường trọng điểm. Đồng thời, mở rộng, đa dạng hóa thị trường với các đối tác tiềm năng. Nghiên cứu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ tiên tiến, tiếp thu kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu, cung cấp thông tin, phổ biến cho doanh nghiệp về các quy định, tiêu chuẩn xuất, nhập khẩu, rào cản thương mại và phòng vệ thương mại của các nước đối tác trong các FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, chất lượng xúc tiến thương mại, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu, thông tin thị trường, kết nối, thẩm tra, xác minh đối tác, cảnh báo rủi ro và ngăn ngừa, xử lý hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đến các đối tác và du khách quốc tế; đẩy mạnh khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của tỉnh phục vụ phát triển du lịch…
Có thể khẳng định, trước yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế một cách toàn diện, thực chất như hiện nay, đòi hỏi nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị về ngoại giao kinh tế phải được nâng lên, thậm chí phải đi trước một bước. Đồng thời, cần hoạch định được các chính sách, biện pháp phù hợp, nhằm tạo thuận lợi để ngoại giao kinh tế phát huy lợi thế đặc thù trong công tác đối ngoại của tỉnh.
Khôi Nguyên