Vụ đông 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa đã gieo trồng được 27.180 ha cây trồng các loại. Trong đó, 10.266 ha ngô, đạt 73,3% kế hoạch (KH); lạc 792 ha, đạt 60,9% KH; khoai lang 933 ha, đạt 46,6% KH; rau màu các loại và cây trồng khác 15.189 ha, đạt 51,1% KH. Để có được kết quả này, người nông dân và các doanh nghiệp (DN) đã tích cực liên kết sản xuất thông qua các HTX để đảm bảo thuận lợi trong sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm vụ đông.
Thu hoạch dưa chuột vụ đông tại HTX rau an toàn Hoằng Hợp (Hoằng Hóa).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, ngay từ đầu vụ, HTX rau an toàn Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) đã tích cực tìm kiếm các DN trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Với các sản phẩm chính như: bắp cải, su hào, cà rốt, dưa chuột, bí đỏ, mướp, cà chua, HTX đã liên kết với HTX Nông nghiệp Hoàng Hải (Sơn La) và Công ty CP Dịch vụ tổng hợp Tâm Nhung (Nghệ An) để bao tiêu sản phẩm. Theo đó, các sản phẩm sau khi thu hoạch được tổ chức thu mua ngay tại chỗ, khắc phục tình trạng ùn ứ, thúc đẩy luân canh tăng vụ. Với hướng đi này, kết quả sản xuất vụ đông của HTX luôn bảo đảm sản lượng và chất lượng cây trồng. Từ đó, nông dân yên tâm sản xuất và chú trọng chất lượng sản phẩm theo từng đơn hàng.
Chị Lê Thị Lương, giám đốc HTX chia sẻ: “Vụ đông năm nay, do tình hình thời tiết tương đối phức tạp đã khiến nhiều cây trồng của HTX không đạt được chất lượng như kỳ vọng. Có loại cây trồng thì bị tác động bởi gió, mưa nên lá bị vàng, có loại thì bị sâu bệnh… nên HTX đã không đáp ứng đủ hàng để xuất đi cho các bên thương lái. Tuy nhiên, nhờ liên kết hợp tác sản xuất, HTX đã được hai đơn vị đối tác giúp đỡ bằng cách cung cấp hàng của họ cho HTX. Với những cây trồng không sản xuất được, các đơn vị cũng hỗ trợ bằng cách chia sẻ kinh nghiệm, cách thức thực hiện. Hiện tại, trung bình mỗi ngày HTX xuất ra thị trường khoảng 2 tạ rau, củ, quả, chủ yếu xuất bán cho các thương lái và các trường học trong tỉnh. Ngoài ra, HTX đã ký hợp đồng thêm với nhiều xã viên mới và đang xuống giống các lứa mới, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá ổn định nên tất cả các nông hộ rất phấn khởi trong sản xuất”.
Không chỉ ở Hoằng Hóa, vụ đông năm nay, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã và đang vận động người dân tích cực thu hút DN để liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, tạo mối liên kết bền chặt. Điển hình như huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia liên kết, người dân và HTX sẽ được tìm hiểu chi tiết từ kỹ thuật trồng cây, cũng như cách chăm sóc rau, củ, quả sao cho phù hợp với thời tiết vụ đông để không ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm. Từ đó, người nông dân cũng thay đổi được tư duy sản xuất tự phát sang có kế hoạch và mục tiêu. Tính đến nay, huyện đã thu hút được 20 DN liên kết thường xuyên với người dân và HTX với diện tích gần 1.000 ha như: Công ty TNHH MTV Bò sữa Thanh Hóa, Công ty TNHH Thực phẩm công nghệ cao Tâm Phú Hưng, Công ty Nông sản Thịnh Phát… Đến nay, huyện có trên 60% HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết sản xuất và thực hiện bao tiêu nông sản vụ đông.
Có thể nói, nhờ liên kết sản xuất, các sản phẩm vụ đông sau khi thu hoạch có định hướng và mục tiêu rõ ràng nên đã sớm ổn định được đầu ra sản phẩm. Đồng thời, tâm lý người dân khi có hợp đồng liên kết sẽ chú trọng hơn đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bài và ảnh: Chi Phạm