Kinh tế tập thể (KTTT), HTX có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi Thanh Hóa.
Thành viên HTX sản xuất miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) trong ca sản xuất.
Các mô hình KTTT trên địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh có bước phát triển vững chắc, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó, mô hình HTX đã khắc phục những hạn chế trong sản xuất, như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp thấp. Bởi vậy, mô hình HTX ra đời, phát triển đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nông dân; đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động ở mỗi địa phương.
HTX sản xuất miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) có 7 thành viên với hàng chục lao động địa phương tham gia sản xuất. Các công đoạn sản xuất miến luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vậy sản phẩm miến dong Đồi Ao từ lâu đã được thị trường tin dùng. Theo tính toán, mỗi năm HTX sản xuất từ 100 – 150 tấn miến dong xuất bán ra thị trường, doanh thu ước đạt trên 5 tỷ đồng. Hiện sản phẩm miến dong Đồi Ao đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Giám đốc HTX Đỗ Thị Huyên cho biết: Với mục tiêu sản xuất, cung ứng sản phẩm miến dong an toàn chất lượng đến tay người tiêu dùng, HTX sản xuất miến dong Đồi Ao đã liên kết với các hộ trồng dong riềng ở địa phương để hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời bao tiêu sản phẩm, để từ đó có thể chủ động được nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; chú trọng chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập cho các thành viên HTX và người dân vùng nguyên liệu…
Năm 2021, HTX sản xuất mật mía xã Thạch Sơn (Thạch Thành) được thành lập. Đây là HTX do hội viên phụ nữ làm chủ, gồm 7 thành viên tham gia. Sau khi thành lập, các thành viên đã góp vốn để đầu tư máy móc, thu mua nguyên liệu sản xuất, đồng thời đăng ký tem nhãn cho sản phẩm. Sản phẩm bảo đảm chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng, bởi vậy bình quân mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng hơn 100 tấn mật mía thành phẩm. Năm 2022, mật mía Thạch Sơn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Được biết, ngoài HTX mật mía Thạch Sơn, Hội LHPN huyện Thạch Thành đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình KTTT, trong đó có 6 HTX, 8 tổ hợp tác.
Nhằm phát huy hiệu quả của mô hình KTTT, Hội LHPN huyện Quan Hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở hội thành lập mô hình tổ liên kết, HTX chăn nuôi do phụ nữ làm chủ, từ đó tạo động lực giúp nhiều hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững. Đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã xây dựng được 5 mô hình KTTT. Mỗi mô hình có khoảng 20 thành viên; các hộ tham gia được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; được hỗ trợ con giống như, lợn, dê, bò sinh sản. Khi con giống sinh sản lứa đầu, các thành viên sẽ lần lượt chuyển giao cho hộ nghèo, cận nghèo và cứ như vậy mô hình được nhân rộng và đã chuyển giao con giống cho khoảng 70 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Quan Hóa được thụ hưởng. Có thể thấy, qua mô hình KTTT đã giúp chị em phụ nữ tổ chức sản xuất chuyên nghiệp hơn, tăng tính gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Trong 5 năm gần đây, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã thành lập 86 HTX, 100 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình KTTT do phụ nữ làm chủ lên 342 mô hình, chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS; tạo việc làm cho trên 3.700 hội viên, phụ nữ với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Thông qua các mô hình KTTT đã khắc phục được phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ thông qua việc hỗ trợ tiếp cận và tham gia các loại hình sản xuất, chăn nuôi…
Để thúc đẩy, khuyến khích KTTT phát triển, trong đó có mô hình HTX nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3241/QĐ-UBND, ngày 23-8-2021 phê duyệt Đề án phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung thực hiện một số chính sách hỗ trợ như nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 806 HTX nông nghiệp, trong đó có 756 HTX nông nghiệp đang hoạt động và 50 HTX tạm ngừng hoạt động; 80 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 59 HTX nông nghiệp tham gia sản xuất với 75 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng. Nhìn chung, các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung, HTX khu vực miền núi nói riêng phát triển ổn định, số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề, chất lượng hoạt động được nâng lên; phát huy tốt vai trò hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Phát huy những kết quả đạt được, để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 3241/QĐ-UBND, thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế hợp tác; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về KTTT; đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn; thành lập mới và duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững…
Bài và ảnh: Xuân Minh