Sáng 29-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) lần thứ 4 sang Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình 7 điểm cầu tại tỉnh Thanh Hóa.
Tham gia tại điểm cầu Thanh Hóa có đồng chí Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU.
Sau gần 6 năm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” và qua kết quả thanh tra của Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 3, công tác chống khai thác IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện khuyến nghị của EC về cắt giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác, đã có 26 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc rà soát, kiểm kê tàu cá có tại địa phương, xác định hạn ngạch khai thác thuỷ sản tại vùng biển ven bờ và vụng lộng theo quy định.
Toàn quốc có 86.820 tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên, giảm 9.789 tàu so với năm 2019. Trong đó, có 30.091 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên, giảm 1.206 tàu so với năm 2019.
Hiện đã có 31 tỉnh, thành phố với 71.658 tàu cập nhật phần mềm dữ liệu Vnfishbase về khai thác dữ liệu nghề cá quốc gia và 28.753 tàu dài từ 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt 97,86%. Cơ quan chức năng đã làm thủ tục xuất, nhập bến cho 550.979 lượt tàu cá, kiểm tra, kiểm soát 121.042 lượt tàu cá hoạt động trên sông, biển…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Cao Văn Cường và các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU tham dự hội nghị trực tuyến.
Tuy nhiên, từ quý IV năm 2022 đến nay, cả nước có 412 lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối VMS trên 10 ngày. Một số tỉnh, thành phố, như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Kiên Giang, Thanh Hóa… có tỉ lệ giám sát sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh rất thấp, dưới 20%.
Ngoài ra, qua kiểm tra, lực lượng thực thi pháp luật đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ/13 tàu sử dụng 15 thiết bị VMS của tàu cá khác để thực hiện hành vi khai thác sai vùng, đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; xử phạt hơn 4.000 vụ vi phạm các quy định về chống khai thác IUU, với tổng số tiền hơn 110 tỷ đồng.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác chống khai thác IUU và thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyến nghị của EC nghiêm túc và kịp thời. Công tác tuần tra, kiển tra, giám sát các hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển được triển khai thực hiện theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề hàng năm. Công tác giám sát được tổ chức thường xuyên, liên tục, đảm bảo việc khai thác thuỷ sản của các tàu cá trong tỉnh được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Thanh Hóa có 6.010 tàu cá tham gia khai thác thủy hải sản. Trong đó, có 1.112 tàu có chiều dài trên 15m; 1.100 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình VMS, đạt 98,9% và 1.024 tàu cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm. |
Toàn tỉnh, hiện có 6.010 tàu cá tham gia khai thác thủy hải sản. Trong đó, có 1.112 tàu có chiều dài trên 15m; 1.100 tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình VMS, đạt 98,9%; 1.024 tàu cá đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
8 tháng năm 2023, có 1.269 lượt tàu rời cảng, 813 lượt tàu cập cảng, sản lượng thủy sản đạt 6.704 tấn. Lực lượng chức năng đã nhập 2.421 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase.
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi hoặc không ghi đầy đủ nhật ký khai thác hải sản, chưa duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển; còn một số tàu thuyền hết hạn, quá hạn đăng kiểm…
Ban chỉ đạo IUU tỉnh đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra tại các địa phương và cảng cá trên địa bàn tỉnh, phát hiện, xử lý 47 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng.
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã phát biểu làm rõ thực trạng, những nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai chống khai thác IUU, đề xuất các giải pháp chống khai thác IUU và giúp gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong thời giam sớm nhất.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, còn chưa đầy 2 tháng để nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Do đó, Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt hơn nữa trong việc chống khai thác IUU, chung tay tháo gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” trong tháng 10 năm 2023.
Các điểm cầu tham dự hội nghị trực tuyến (Ảnh chụp màn hình).
Đồng thời, mỗi địa phương cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ trong công tác quản lý, giám sát việc thực thi nhiệm vụ theo quy định chống khai thác IUU. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát, xét xử nghiêm minh các trường hợp vi phạm để răn đe. Báo cáo kết quả thực hiện chống khai thác IUU về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30-9-2023.
Cùng với đó, các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thủy sản để người dân khu vực ven biển hiểu rõ, không vi phạm các quy định pháp luật về IUU, giữ gìn trữ lượng và bảo đảm tính đa dạng sinh học trên vùng biển, hướng tới khai thác thủy, hải sản bền vững.
Dự kiến tháng 10 tới, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam thanh tra thực tế và có đánh giá lần thứ tư về thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU. Đây cũng là thời điểm tròn 6 năm EC cảnh báo “Thẻ vàng” đối với thủy hải sản khai thác của Việt Nam. |
Lê Hòa