Nhận định rõ sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam, bởi vậy người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn Thanh Hóa đã lựa chọn phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cần phải đánh giá những thuận lợi và khó khăn để có định hướng phát triển NNHC bền vững, đạt hiệu quả cao.
Trang trại trồng bưởi Diễn theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).
Với điều kiện thuận lợi về khí hậu nóng ẩm, thuận lợi việc chuyển hóa các chất hữu cơ thành những khoáng chất phục vụ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi; đồng thời, lượng phụ phẩm trong nông nghiệp dồi dào là nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ; người lao động với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp… ngành nông nghiệp và các địa phương đã và đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển NNHC, tăng cường sự tham gia của các HTX để hình thành vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng trồng trọt, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; triển khai các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao…
Năm 2017, ông Lê Xuân Hoằng ở xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) đã quyết định cải tạo vùng đồi trồng keo kém hiệu quả kinh tế sang trồng 2.000 gốc bưởi Diễn theo hướng hữu cơ. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông Vũ Văn Chiến – quản lý tại trang trại, cho biết: Thời gian đầu khi chuyển đổi sang trồng bưởi hữu cơ năng suất có giảm, nhưng sau đó vườn bưởi đã dần ổn định, cây khỏe mạnh, xanh tốt, ít sâu bệnh và năng suất tăng trở lại. Điều quan trọng hơn khi trồng bưởi hữu cơ là không chỉ có lợi về sức khỏe, an toàn cho người sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Chiến cũng cho biết, nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng chất lượng cho trái bưởi cũng như cải tạo, phục hồi “sức khỏe” cho đất, ông đã dùng phế phẩm từ xương cá xay nhỏ, ủ từ 30 đến 40 ngày, thủy phân để làm phân bón dạng lỏng cho cây; toàn bộ chất thải từ chăn nuôi bò, gia cầm trong trang trại và rác thải cũng được ủ hoai mục, bưởi rụng cũng được gom lại để ủ men EM làm phân bón; đồng thời, nuôi ngỗng và gà dưới tán bưởi để ăn cỏ chứ không phun thuốc trừ cỏ độc hại. Sau đó, phân bón được hòa với nước trong các bể lớn, vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt là phân dẫn đến từng gốc cây. Để đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trang trại phải thực hiện “8 không”, đó là: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất, không thuốc kích thích, không đánh bồn và xáo xới gốc cây, không tiện gốc và cành, không quét và bón vôi vào gốc cây. Bưởi Diễn trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ có sức chống chịu sâu bệnh tốt, tuy trái nhỏ, nhưng vị ngọt đậm, bưởi sau khi thu hoạch có thể để tới 1 – 2 tháng chưa hỏng.
Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã phát triển được 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC, hơn 760 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và tiến tới công nhận hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao… |
Hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa đã phát triển được 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về NNHC, hơn 760 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và tiến tới công nhận hữu cơ bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, như: lúa – cá ở huyện Hà Trung với diện tích 35 ha; lúa – rươi tại các huyện Nông Cống, Quảng Xương với diện tích 8 ha; mô hình lúa hữu cơ tại huyện Yên Định, Nông Cống 20 ha; mô hình bưởi hữu cơ Yên Định 12 ha; mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ tại Vĩnh Lộc… Cùng với đó là diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất theo công nghệ cao trồng các loại dưa Kim Hoàng hậu, rau các loại…
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển NNHC trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn hạn chế, chỉ mới mang tính sản xuất theo hướng hữu cơ và quy mô còn nhỏ, manh mún. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định Nguyễn Xuân Tùng cho biết, chi phí cho sản xuất NNHC cao nhưng giá thành không cạnh tranh được với sản xuất truyền thống; ngoài ra trong nhiều trường hợp sản phẩm còn có hình thức không đẹp, không bắt mắt; người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ nên các sản phẩm khó tìm thị trường đầu ra.
Bên cạnh đó, trong quá trình canh tác người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động, khó thực hiện trên diện rộng. Với những vùng sản xuất trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu năng suất giảm rõ rệt và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh, cân bằng sinh thái bị phá vỡ. Đồng thời, phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm nên nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng ở giai đoạn đầu rất chậm và không đầy đủ. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đối với những kỹ thuật sản xuất mới.
Bài và ảnh: Lê Ngọc