Trong những năm gần đây, sản xuất vụ đông được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư thông qua việc liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp hoặc trực tiếp thuê đất, mượn đất thời vụ của người dân để tổ chức sản xuất.
Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) thu mua rau cải theo hợp đồng liên kết với nông dân xã Phú Lộc (Hậu Lộc).
Thông qua công tác kêu gọi của ngành nông nghiệp và các địa phương, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Trong vụ đông năm 2023-2024, toàn tỉnh đã thu hút gần 30 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trồng trọt cho người dân. Điển hình như Viện Sinh học nông nghiệp, Công ty Orion Vina, Công ty CP GVA, Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm khoai tây ăn tươi và khoai tây chế biến với nông dân các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định…
Các Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình), Công ty TNHH Thành An Ninh Bình, Công ty TNHH Á Châu Ninh Bình, Công ty TNHH Anh Thôi, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm các loại rau màu với nông dân một số địa phương trong tỉnh. Ngoài ra, các Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn, Trang trại bò sữa Như Thanh, Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ngô dày làm thức ăn cho bò sữa với nông dân các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Như Xuân… Diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông đạt 8.000 đến 10.000 ha, giá trị đạt 75 triệu đồng/ha gieo trồng trở lên. Các doanh nghiệp tham gia liên kết đã chủ động cung ứng kịp thời, đầy đủ giống, phân bón chất lượng tốt phục vụ người dân sản xuất.
Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp quốc tế An Việt Đỗ Quỳnh Hương cho biết: Vụ đông năm 2023-2024, công ty dự kiến mở rộng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hơn 300 ha khoai tây ở các huyện Hoằng Hóa và Nga Sơn. Đây là các địa phương công ty duy trì liên kết sản xuất khoai tây giống nhiều năm nay. Thông qua liên kết, công ty cung cấp giống, vật tư và hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất cho người dân, nhờ đó năng suất khoai tây vụ đông các năm đạt 30 tấn/ha và có những diện tích ở huyện Hoằng Hóa đạt năng suất lên đến 40 tấn/ha. Hiện nay, thị trường đầu ra của sản phẩm khoai tây là rất lớn, nên công ty mong muốn hợp tác với các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa để mở rộng diện tích sản xuất khoai tây vụ đông.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn các địa phương xây dựng, thiết lập các vùng trồng, cơ sở đóng gói theo quy định của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các yêu cầu của nước nhập khẩu đối với những cây trồng có lợi thế. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận và duy trì 76 mã số vùng trồng xuất khẩu, sẵn sàng xuất khẩu cho các sản phẩm ớt, lúa, bưởi, vải, thanh long, khoai lang…
Để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất trong vụ đông, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, các ngành có liên quan của tỉnh cũng tích cực xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tích cực rà soát đánh giá nhu cầu thị trường, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xác định các sản phẩm trồng trọt có lợi thế trên địa bàn để định hướng phát triển sản xuất hợp lý theo nhu cầu thị trường. Trong đó, khuyến khích người dân sản xuất các loại nông sản có thể sơ chế, bảo quản, chế biến, như khoai tây, dưa bao tử, ngô đường, khoai lang và các sản phẩm có khả năng bảo quản, tiêu thụ nội địa tốt như ngô hạt, cây thức ăn chăn nuôi, rau màu…; ưu tiên các đối tượng cây trồng được sản xuất theo hợp đồng để tránh tình trạng sản xuất dư thừa nông sản, gây khó khăn và thất thiệt cho người sản xuất.
Các địa phương cũng tích cực hướng dẫn nông dân đẩy mạnh sản xuất an toàn, nhất là đảm bảo các biện pháp sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản an toàn dịch bệnh để tiêu thụ được thuận lợi. Đồng thời, các huyện chủ động tìm hiểu các địa phương khác trong và ngoài tỉnh để nắm bắt nhu cầu sử dụng về sản lượng, chủng loại sản phẩm nông nghiệp từ đó kết nối tiêu thụ nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.
Bài và ảnh: Lê Hợi