Với nhận thức và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hóa, nhiều năm trở lại đây các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều DN xem đây là yếu tố cốt lõi giúp DN xây dựng uy tín, thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững.
Khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa.
Siêu thị Điện máy HC Thanh Hóa hiện kinh doanh khoảng 10.000 mã hàng, với khoảng 200 thương hiệu khác nhau, bao gồm khoảng 40 nhóm hàng chính và chia làm 4 ngành hàng: điện tử (tivi và loa); điện lạnh (tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, tủ bảo ôn; ITMB (điện thoại, máy tính, thiết bị văn phòng, phụ kiện) và ngành hàng gia dụng (nồi cơm điện, máy rửa bát, máy lọc nước, nồi, chảo, bếp ga, bếp từ, hút mùi, hút bụi, máy xay, máy ép, lò nướng)…
Giám đốc Siêu thị Điện máy HC Thanh Hóa Đinh Hữu Thuận cho biết: “HC chỉ có thể tồn tại khi được khách hàng tin tưởng, do vậy chúng tôi luôn lựa chọn các đối tác lớn, uy tín để hợp tác kinh doanh. Chúng tôi đã lựa chọn các sản phẩm chất lượng tốt, có đầy đủ hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng và có chính sách bảo hành tốt nhằm giúp khách hàng yên tâm khi mua hàng cũng như quá trình sử dụng”.
Về chính sách bán hàng và sau bán hàng, siêu thị hầu như cập nhật, tích hợp và triển khai hầu hết các tiện ích mua sắm hiện đại và linh hoạt hiện có trên thị trường, như tích điểm thẻ, giảm giá thêm, hỗ trợ khách mua hàng trả góp 0% lãi suất, giao hàng miễn phí tại nhà, bảo hành chính hãng tại nhà…
“Hưởng ứng dịp cao điểm Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3, chúng tôi triển khai chương trình khuyến mãi kéo dài từ 11/3 đến 31/3 với khoảng 100 mã sản phẩm được giảm giá trực tiếp lên đến 70%. Nhiều sản phẩm được tặng thêm quà, trừ điểm thẻ lên đến 5% trị giá đơn hàng; mua hàng trả góp 0% lãi suất; miễn phí giao hàng, lắp đặt lên đến 50km; chương trình thu cũ, đổi mới, giảm thêm 5% áp dụng với một số mã tivi… với hy vọng khách hàng được tiếp cận, sử dụng sản phẩm chính hãng với giá rẻ và chính sách tốt nhất”, ông Thuận cho biết thêm.
Còn tại Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, đơn vị cũng đã liên tục cải tiến cơ cấu hàng hóa, hiện đại hóa không gian mua sắm và dịch vụ khách hàng ngày càng thân thiện, chuyên nghiệp. Hàng nghìn mặt hàng của siêu thị được tuân thủ quy định khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng, xuất xứ. Trong đó, Co.opmart Thanh Hóa thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương trong tỉnh để đưa nông sản xứ Thanh đã đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia vào hệ thống kinh doanh.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Có hơn 90% mặt hàng kinh doanh tại Thanh Hóa là hàng Việt Nam chất lượng cao. Để kích cầu mua sắm, Co.opmart Thanh Hóa thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá đến 40% đối với hàng trăm mặt hàng. Trong đó, khách hàng đặt hàng trên App Saigon Co.op và Co.oponline sẽ được giao hàng với chất lượng như hàng tại siêu thị”.
Khách hàng kiểm tra thông số sản phẩm được bày bán tại Hội chợ thương mại miền Tây Thanh Hóa năm 2023, tổ chức tại huyện Thạch Thành.
Sau gần 4 năm có mặt tại thị trường Thanh Hóa, hệ thống Siêu thị The City đã trở thành điểm mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng khu vực nông thôn thuộc các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Triệu Sơn, Hoằng Hóa… Sở dĩ có được thành công này là nhờ phương châm hoạt động lấy bảo vệ quyền của người tiêu dùng cũng là bảo vệ sự phát triển của DN. Cùng với việc thường xuyên cải tiến, nâng cấp mô hình kinh doanh ngày càng hiện đại, tiện ích, thì các quy trình vận hành, kiểm tra, bày bán hàng luôn được siêu thị thực hiện bài bản, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Theo đại diện hệ thống siêu thị này, toàn bộ mặt hàng được đưa vào kinh doanh bán lẻ đều được kiểm định, đảm bảo chất lượng để mang lại sự uy tín cho toàn hệ thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, nhất là các giao dịch từ xa, giao dịch trên môi trường điện tử vẫn diễn ra. Vẫn còn những DN vì lợi nhuận nên sản xuất, kinh doanh, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng. Trong bối cảnh thị trường hàng hóa tiêu dùng ngày càng cạnh tranh gay gắt và chịu nhiều tác động do dịch bệnh, lạm phát kinh tế, việc nâng cao trách nhiệm của DN trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày càng trở thành đòi hỏi cấp thiết.
Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng được quy định rất cụ thể. Trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng theo đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật; đồng thời phải cảnh báo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng và thông báo về các biện pháp phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, tại Đề án DN vì người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025 do Bộ Công Thương ban hành và triển khai, Chương trình “DN vì người tiêu dùng” trong lĩnh vực bán lẻ đang được triển khai cũng là hoạt động giúp DN tự đánh giá việc tuân thủ pháp luật và các quy tắc đạo đức ứng xử đối với người tiêu dùng của DN mình. Từ đó, DN tự hoàn thiện để nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng cũng như năng lực cạnh tranh.
Bài và ảnh: Tùng Lâm