Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các cấp, ngành có liên quan của tỉnh đã tích cực thực hiện các biện pháp nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Qua tố giác của quần chúng, Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp với các lực lượng bắt giữ vụ vận chuyển thực phẩm bẩn. Ảnh: Hải Đăng
Từ nguồn tin báo của người dân, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Thanh Hóa (TC&BVNTD) đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (TP Thanh Hóa) kiểm tra hộ kinh doanh Bảo Anh, tại ki-ốt 11, tầng 2, Siêu thị Co.opmart, phường Điện Biên, do ông Nguyễn Duy Cường làm đại diện. Qua kiểm tra, các lực lượng đã phát hiện ki-ốt đang trưng bày bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas, chủ ki-ốt không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ liên quan đến lô hàng. Tại hiện trường, các lực lượng đã phát hiện 50 đôi giày và 20 bộ quần áo mang nhãn hiệu Adidas. Trước sự việc trên, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tham mưu cho Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Duy Cường và buộc tiêu hủy toàn bộ số giày và quần áo tang vật theo quy định.
Cũng theo tố giác của quần chúng Nhân dân, Hội TC&BVNTD Thanh Hóa cùng với các Đội Quản lý thị trường số 10, số 1, số 9 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường và Phòng PC03, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh bà Trương Thị Liên, thôn 4, xã Quang Trung (thị xã Bỉm Sơn) về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra, các lực lượng phát hiện 17 loại mặt hàng (4.622 đơn vị sản phẩm là giày, dép, quần áo…) có trị giá hơn 250 triệu đồng, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hay giấy tờ liên quan đến lô hàng. Sau khi làm việc với các đơn vị liên quan, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh bà Trương Thị Liên số tiền 45 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm để tiêu hủy theo quy định.
Đó là 2 trong nhiều vụ vi phạm mà Hội TC&BVNTD Thanh Hóa phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý từ nguồn tin tố giác của người tiêu dùng trong thời gian qua.
Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương đã phối hợp với Hội TC&BVNTD Thanh Hóa, Cục Quản lý thị trường thường xuyên tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền tới người tiêu dùng với các hình thức, như: Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) và Ngày Thế giới không hút thuốc lá (31/5), về hàng thật, hàng giả, tiêu dùng thông thái; Kế hoạch số 202/KH-UBND ngày 10/9/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa… Qua đó, khuyến cáo đến người tiêu dùng sử dụng tiêu dùng thông thái, hiệu quả hơn. Ngoài ra, thông qua hoạt động của văn phòng tư vấn và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, Hội TC&BVNTD Thanh Hóa đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng hiểu rõ được những điều cơ bản của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, cách phân biệt được hàng thật, hàng giả… Trong đó có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế, như: học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tiêu dùng trong khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Đồng thời, Hội TC&BVNTD Thanh Hóa phối hợp với ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức ký cam kết cho 4.599 cơ sở sản xuất, kinh doanh “Không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”; cấp phát tài liệu “Hỏi – đáp pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” và “Sổ tay tư vấn viên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” cho cán bộ, hội viên để phục vụ cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chủ tịch Hội TC&BVNTD Thanh Hóa, cho biết: Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, thị trường duy trì ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Với trách nhiệm hội viên các chi hội đã tập trung tuyên truyền đến người tiêu dùng công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; an toàn thực phẩm; thương mại điện tử, tuyên truyền và tổ chức gian hàng đối chứng thật giả tại các hội chợ, chợ, siêu thị; ngăn chặn, kiểm tra, xử lý việc không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết. Nhiều hội viên là các thành viên tham gia kiểm tra, kiểm soát, cùng với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, ban chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các cơ sở và xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Cùng với đó, các chi hội thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để xây dựng mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, đồng thời phản ánh ý kiến của người tiêu dùng cho người sản xuất – kinh doanh – dịch vụ.
Năm 2024, với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, ngành công thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan. Từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế – xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.
Hải Đăng