Lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao, được xem là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy các làng nghề, nghề truyền thống (LN, NTT) phát triển bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay việc thu hút và “giữ chân” lao động trẻ lại đang là thách thức đối với nhiều LN, NTT trong tỉnh.
Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước).
Thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) có đa số là đồng bào dân tộc Thái sinh sống; nơi đây còn lưu giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Lò Thị Dân (66 tuổi) vừa thoăn thoắt đưa thoi dệt tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu vừa chia sẻ: “Nghề dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời và gắn bó với người phụ nữ dân tộc Thái nơi đây. Bởi vậy, hiện nay dù thị trường đã có nhiều sợi vải, chỉ len công nghiệp thay thế nguyên liệu thủ công, song những người thợ dệt như chúng tôi vẫn hàng ngày nỗ lực gìn giữ nghề và truyền cho thế hệ con cháu. Do sản xuất thủ công là chính nên để tạo ra một tấm thổ cẩm đẹp những người thợ dệt phải rất kỳ công và trải qua nhiều công đoạn, như quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt… Sản phẩm dệt ở đây chủ yếu là vải thổ cẩm, khăn, mũ, quần áo, gối, túi thổ cẩm, khăn trải bàn, đệm ghế… với giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng cho mỗi sản phẩm. Các họa tiết được người Thái đưa vào sản phẩm thổ cẩm rất đa dạng, chủ yếu là hình ảnh của những loài cây, hoa, động vật gắn bó với đời sống hằng ngày”.
“Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như các cấp, ngành trong tỉnh, đặc biệt là năm 2014 Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 20 máy may công nghiệp, 28 khung cửi và 100 triệu đồng cho chi hội phụ nữ thôn Lặn Ngoài để khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm, thì mô hình dệt thổ cẩm của phụ nữ trong thôn ngày càng được nhân rộng và thu hút đông chị em tham gia, nhiều gia đình cũng đã thoát được nghèo nhờ dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, dù làng nghề đã có bước phát triển, nhưng điều mà chúng tôi trăn trở và lo nhất hiện nay đó là lớp trẻ tham gia và muốn gắn bó với nghề rất ít, đa số chỉ có phụ nữ trung tuổi và cao tuổi như chúng tôi là còn “mặn mà” với nghề dệt” – bà Lò Thị Dân bày tỏ.
Nói về nghề dệt thổ cẩm của địa phương, ông Hà Văn Tung, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm vừa mừng, nhưng cũng không khỏi lo lắng. Ông cho biết: Nghề dệt thổ cẩm bắt đầu xuất hiện từ khi thôn Lặn Ngoài mới thành lập. Trải qua nhiều năm phát triển, đến năm 2021 đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Đến nay, toàn thôn có 71 khung cửi, với 83 hộ tham gia làm nghề, thu hút được 215 lao động tham gia, thu nhập khoảng 43 triệu đồng/người/năm. Nghề dệt thổ cẩm của thôn phát triển đã tạo công ăn việc làm cho người dân, có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là do tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tính kiên nhẫn; đầu ra sản phẩm cũng bấp bênh dẫn đến thu nhập không ổn định. Và một khi mức thu nhập không đủ sức hấp dẫn thì việc các lao động trẻ “quay lưng” với nghề truyền thống là điều dễ hiểu. Do đó, trong tổng số lao động tham gia nghề dệt hiện chỉ có khoảng 20 – 30 lao động trẻ, còn lại là người trung tuổi và người già. Trước thực trạng đó, để làng nghề ngày càng phát triển và thu hút được lớp trẻ tham gia, xã đang tập trung thực hiện một số giải pháp như, tập trung xây dựng phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch cộng đồng, nhằm thu hút khách du lịch đến thăm, trải nghiệm và mua sản phẩm thổ cẩm. Khuyến khích các nghệ nhân am hiểu nghề dệt tích cực truyền dạy lại nghề cho con cháu mình. Quan tâm đầu tư xây dựng nhà sàn trưng bày sản phẩm tại vị trí sân vận động thôn, nâng cấp đường nội thôn, hệ thống chiếu sáng khu vực thôn…
Tại làng nghề đan cót làng Giàng, phường Thiệu Dương (TP Thanh Hóa), ông Dương Khắc Thành, người đã lâu năm làm nghề và đang bao tiêu sản phẩm tại địa phương, cho biết: Mỗi tháng gia đình ông đầu tư hàng trăm triệu đồng lên tận các huyện Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân… thu mua nguyên liệu, sau đó khoán cho một số hộ dân trong xã làm. Mỗi ngày, một người làm được từ 2 – 3 tấm cót với mức thu nhập khoảng 150.000 đồng. Nếu như trước đây, nghề đan cót ở làng Giàng là nghề lao động chính, thu hút được tới 70% lao động thì hiện nay chỉ còn khoảng 10% gắn bó với nghề do nhiều lý do khách quan, như: thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ khó khăn và thu nhập từ nghề chưa cao nên chưa thu hút được lao động địa phương. Do đó, việc lưu truyền và phát triển nghề đan cót giờ chỉ trông chờ vào những người già, gắn bó với nghề lâu năm chứ không thu hút được lớp trẻ tham gia. Bởi vậy, nghề đang đứng trước nguy cơ mai một trầm trọng.
Theo thống kê, đến năm 2022, toàn tỉnh có 116 LN, NTT được công nhận. Số lượng lao động hoạt động trong các làng nghề là gần 16.000 người, trong đó số lao động thường xuyên chiếm 65%, lao động thời vụ chiếm 35%. Hiện tại, bên cạnh các LN, NTT đang thu hút đông lớp trẻ tham gia như nghề rèn, mộc… thì nhiều ngành nghề lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lao động trẻ, có tay nghề như nghề dệt thổ cẩm, nón lá, mây tre đan…
Trong thời đại 4.0, lực lượng lao động trẻ có thế mạnh là năng động, sáng tạo, nhanh chóng nắm bắt được xu thế mới, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Bởi vậy, việc thiếu hụt lao động trẻ, lao động tay nghề cao là lý do khiến cho nhiều LN, NTT chậm phát triển, chậm thay đổi mẫu mã, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao do không đáp ứng được nhu cầu thị trường… Trước thực tế đó, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống và “giữ chân” lao động, nhất là lao động trẻ có tay nghề cao, như: đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các địa phương có LN, NTT gắn với du lịch và XDNTM; rà soát đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ngành nghề. Quan tâm tạo điều kiện cho các nghệ nhân tham gia các khóa học về kỹ năng dạy nghề để truyền dạy lại nghề cho lao động trẻ, tránh nguy cơ mai một LN, NTT. Chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm để người lao động gắn bó và sống được bằng nghề. Đồng thời, khuyến khích các làng nghề đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ và đổi mới công nghệ trong sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt