Những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nông thôn, trong đó chú trọng các nghề tiểu thủ công nghiệp thông qua việc khôi phục, phát triển nghề truyền thống, du nhập, nhân cấy nghề mới. Từ đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Nghề đúc đồng truyền thống làng Trà Đông, xã Thiệu Trung.
Nghề truyền thống đúc đồng xã Thiệu Trung đã có lịch sử cả nghìn năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy cho tới ngày nay. Ngoài những sản phẩm như chiêng đồng, đúc tượng đồng, đồ thờ, lư hương, con giống,… thì điều đặc biệt nhất tại nơi đây là những nghệ nhân làng Trà Đông còn đúc trống đồng Đông Sơn với những hoa văn, họa tiết tinh xảo theo kiểu dáng xưa và phục hồi lại các hiện vật cổ. Ông Lê Văn Bảy, nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông cho biết: “Không biết nghề có từ khi nào, chỉ biết từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông nội, rồi bố truyền lại nghề và cho đến ngày nay, tôi vẫn theo nghề cha ông”.
Để làm nên một sản phẩm đúc đồng, những người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà cần cả sự cần cù, chịu khó. Hiện nay, một số công đoạn sản xuất đã được hỗ trợ bằng máy móc, tuy nhiên, vẫn còn một số công đoạn và việc chế tác đồng cơ bản vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống. Bằng bí quyết riêng biệt mang thương hiệu hàng trăm năm, nhiều sản phẩm đã cho thấy được trình độ, sự phát triển của kỹ thuật và nghệ thuật của các nghệ nhân tại làng nghề đúc đồng Trà Đông như trống đồng với phiên bản và hoa văn Ngọc Lũ, trống đồng có kích thước lớn nhất Việt Nam, phục hồi lại hiện vật tượng thần đèn ngồi quỳ… Hiện nay, nghề đúc đồng truyền thống đang tạo việc làm ổn định cho gần 400 lao động; một số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao như: Trống đồng Bảy Tuyên, tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên, trống đồng Toàn Linh và trống đồng Quý Châu…
Xác định phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xã Thiệu Trung đã và đang thực hiện một số kế hoạch như xây dựng lộ trình tham quan; kết nối tuyến, điểm du lịch; hướng dẫn du khách tham quan, tham gia trực tiếp vào một số công đoạn sản xuất, hoàn thiện sản phẩm… Bên cạnh đó, chú trọng công tác truyền nghề, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm; hướng tới 100% các cơ sở sản xuất đúc đồng truyền thống có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có hơn 2.000 cơ sở phát triển các ngành nghề nông thôn, như: Đúc đồng, mây tre đan, ươm tơ, dệt nhiễu, làm bánh đa, mộc dân dụng… tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động. Các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư vốn cho việc hiện đại hóa công nghệ, áp dụng các loại máy móc hiện đại để cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, giúp sản phẩm làng nghề ổn định đầu ra. Theo đó, giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn tăng qua từng năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn; một số nghề còn góp phần mang giá trị văn hóa, nghệ thuật qua từng thời kỳ nên rất cần được lưu giữ và phát triển. Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống; việc du nhập, nhân cấy nghề mới thời gian qua cũng được huyện quan tâm, mỗi năm huyện mở gần chục lớp đào tạo nghề với hơn 500 người tham gia.
Thời gian tới, huyện Thiệu Hóa tiếp tục khuyến khích các cơ sở đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, trên cơ sở Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được ban hành, huyện khuyến khích, kêu gọi các cơ sở sản xuất có sản phẩm đặc trưng, đã được bày bán trên thị trường tham gia vào chương trình nhằm nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tổ chức cho các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ để tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn; có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo… Mặt khác, hỗ trợ đầu tư cải tạo nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: đường giao thông, điện, xây dựng trung tâm, điểm bán hàng, khu trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm, kho bãi… Cùng với đó, chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển kinh tế – xã hội, phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ du lịch, gắn hoạt động sản xuất với các hoạt động du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Bài và ảnh: Lê Ngọc