Nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, đồng thời là thế mạnh, có tiềm năng phát triển lớn tại huyện Thiệu Hóa.
Mô hình trồng dưa chuột baby trong nhà lưới tại xã Thiệu Nguyên.
Trong lộ trình phát triển nông nghiệp, huyện Thiệu Hóa phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu các sản phẩm có lợi thế. Trong đó, diện tích đất được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là 650ha; có 20 trang trại, gia trại áp dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động trong chăn nuôi quy mô công nghiệp; 60% đàn gia súc, 40% đàn gia cầm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao…
Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã sớm xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện để có phương hướng chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân tích tụ, tập trung đất đai, đưa các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường vào sản xuất. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao kỹ thuật canh tác; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sử dụng các công nghệ như tưới nhỏ giọt, bảo quản sau thu hoạch; nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn được hình thành, phát triển như sản xuất rau an toàn, các loại dưa sản xuất theo hướng công nghệ cao, hoa, nuôi trồng thủy sản… được người dân chú trọng ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng khoa học – kỹ thuật nên năng suất cao hơn từ 20 đến 25% trở lên, hiệu quả kinh tế cao hơn bình quân từ 1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống. Mặt khác, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải… góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế rủi ro do dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như lúa gạo, rau, quả, trứng…
Anh Nguyễn Công Quát là một trong những người trẻ tiên phong tiếp cận, học hỏi, xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại sản xuất dưa chuột baby tại thôn Nguyên Lý, xã Thiệu Nguyên, cho biết: Sau khi tham khảo nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại trong và ngoài tỉnh, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng nhà màng với diện tích hơn 1.000m2 để hạn chế ảnh hưởng bởi thời tiết, côn trùng, sâu bệnh; lắp đặt hệ thống tưới thông minh và dự báo, phòng trừ sâu bệnh.
Thay vì hằng ngày phải thuê nhân công tưới dưa thì anh chỉ cần cài đặt giờ và khởi động hệ thống tưới qua phần mềm đã được cài sẵn trong điện thoại. Nhất là hệ thống tưới nhỏ giọt được thiết lập để chạy tự động, cung cấp dinh dưỡng trực tiếp cho cây trồng, tiết kiệm được 30 đến 60% lượng nước và phân bón, độ ẩm được giữ tối ưu.
Xác định giá trị sản xuất tăng không phải là tức thời ở từng thời điểm, mà là tăng theo hướng bền vững, bởi vậy huyện Thiệu Hóa đã thực hiện các giải pháp để thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa Trịnh Đức Hùng cho biết: Huyện sẽ tiếp tục rà soát, phát triển vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và có kế hoạch đầu tư cho các vùng sản xuất như vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo năng suất, chất lượng cao; trồng rau trong nhà lưới, nhà màng…
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống điện. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tích cực chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tiếp thu và ứng dụng các quy trình công nghệ hiện đại trong trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, chú trọng ứng dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến trong bảo quản nông sản, làm giảm tỷ lệ hao hụt sau khi thu hoạch như công nghệ sấy nông sản; công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi quy mô tập trung… Mặt khác, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, tự động hóa sản xuất với những loại cây trồng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc