Vụ thu mùa năm 2023, huyện Thiệu Hóa gieo trồng hơn 8.700 ha cây trồng các loại; trong đó, có hơn 7.800 ha sản xuất lúa, 270 ha ngô, 630 ha trồng rau màu và các loại cây trồng khác.
Người dân xã Thiệu Vũ chăm sóc ngô.
Vụ thu mùa năm nay nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm… làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và sinh trưởng phát triển của các loại cây trồng. Bên cạnh đó, sâu bệnh phát sinh phức tạp, nhất là các loại sâu bệnh nguy hiểm như: sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy và bệnh bạc lá vi khuẩn, bệnh đốm sọc vi khuẩn trên cây lúa, sâu keo mùa thu trên cây ngô… Thị trường, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giá cả nông sản không ổn định tác động đến tâm lý đầu tư cho sản xuất của nông dân và doanh nghiệp…
Trước thực tế đó, ngay sau khi thu hoạch xong vụ chiêm xuân, huyện Thiệu Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản vụ thu mùa. Trong sản xuất lúa, các xã, thị trấn đã hướng dẫn, chỉ đạo người dân chuyển dịch cơ cấu giống, thời vụ theo hướng tăng tỷ lệ lúa chất lượng cao và chủ yếu bằng các giống ngắn ngày, kháng bệnh bạc lá, như: TBR 97, DQ11, HANA số 7, Q5, Bắc Thịnh, Đài Thơm 8, nếp các loại… Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật của từng giống, bón phân cân đối, hợp lý cho lúa theo nguyên tắc nặng đầu nhẹ cuối để phòng sâu bệnh, nhất là bệnh bạc lá lúa… Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm để hình thành các vùng sản xuất lúa tập trung ở một số xã có đủ các điều kiện, tạo tiền đề nhân rộng cho các vụ sản xuất ở các năm tiếp theo. Đối với cây ngô, bố trí chủ yếu là đất bãi, gồm các giống: NK 6654, DK 9955S, SSC557… đậu tương gieo trồng ở các vùng đất chuyên màu và đất bãi gồm các giống như: DT84, DT96… các giống rau màu có năng suất cao phù hợp trong khung thời vụ, có thị trường tiêu thụ ổn định cũng được ưu tiên sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện điều tra, phát hiện, dự báo chính xác tình hình dịch hại; nhất là đối với các đối tượng có nguy cơ phát sinh thành dịch như sâu cuốn lá, đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, bệnh lùn sọc đen… dự tính khả năng phát sinh trong thời gian tới, xác định mức độ gây hại để có biện pháp phòng, trừ kịp thời, hiệu quả…
Trước tình hình thời tiết bất thuận, để chăm sóc, bảo vệ cây trồng đầu vụ thu mùa, trong thời gian diễn ra nắng nóng gay gắt, huyện Thiệu Hóa cũng chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng và triển khai phương án tưới, tiêu hợp lý, phòng, chống hạn và phòng, chống lụt bão. Kiểm tra, phát hiện hư hỏng, sửa chữa các công trình hồ đập, hệ thống cống, trạm bơm tưới, tiêu trước mùa mưa bão; nạo vét kênh mương tưới, tiêu thoát nước thông dòng chảy đáp ứng kịp thời cho chống hạn và chống úng. Thường xuyên kiểm tra hệ thống đê điều, có phương án xử lý chủ động để phòng chống lụt bão và bảo vệ sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá cả, chất lượng vật tư, hàng hóa nông nghiệp, chất lượng nông sản; xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển trồng trọt; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa, cho biết: Hiện nay, hầu hết diện tích các loại cây trồng vụ mùa của bà con nông dân đang phát triển tốt. Tận dụng những ngày thời tiết mát mẻ, người dân đã chủ động ra thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây trồng, chú trọng bón phân cân đối theo từng giai đoạn, áp dụng hiệu quả nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Với nỗ lực của huyện, chính quyền địa phương và người dân trong chăm sóc cây trồng, tin tưởng vụ mùa năm nay sẽ thu được nhiều thắng lợi.
Bài và ảnh: Lê Ngọc