Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) phát triển khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nghề nuôi cá giống mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều hộ dân ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).
Gia đình anh Nguyễn Trọng Chiến, ở phố Bái Trúc là một trong những hộ phát triển mô hình nuôi cá thương phẩm, sản xuất di ương cá giống mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được biết, cách đây gần chục năm, thời gian đầu mới khởi nghiệp, ngoài vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá được truyền dạy từ gia đình, anh Chiến đã chủ động tìm đến các trang trại nuôi cá hiệu quả ở nhiều địa phương trên cả nước tham quan, học tập và chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ việc nuôi cá thương phẩm và sản xuất, di ương cá giống. Đến nay, trang trại nuôi cá của gia đình anh Chiến có quy mô gần 30.000m2 được anh quy hoạch thành 12 ao nuôi, mỗi ao rộng từ 2.000m2 đến 2.700m2 để nuôi thả đa dạng các loại cá giống từ truyền thống như: mè, trôi, trắm, chép, rô phi… đến những loại cá giống mới như: lăng, leo, basa, vược, koi…. Trung bình một tháng, anh xuất bán gần 2 tấn cá thương phẩm và gần 300.000 cá giống các loại. Nguồn cá giống của gia đình anh Chiến không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán sang Lào và các tỉnh trong nước, như: Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Trang trại của gia đình anh Chiến sau khi trừ chi phí, cho thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Để hỗ trợ người dân phát triển nuôi thủy sản, Đảng ủy, chính quyền thị trấn Tân Phong đã khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân khai thác lợi thế tự nhiên, nhất là phát triển quy mô trang trại, gia trại với đa dạng các đối tượng nuôi. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nuôi thủy sản mở rộng diện tích, tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư hạ tầng, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt giúp các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Đến nay, thị trấn Tân Phong có khoảng 25 ha nuôi trồng thủy sản với hơn 100 hộ dân tham gia; trong đó tập trung chủ yếu ở 3 làng: Bái Trúc, Tân Hậu, Tân Cổ. Các hộ nông dân ở đây chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống, như: chép, mè, diếc, cá quả, cá trắm… Sản lượng hàng năm đạt hơn 100 tấn với tổng giá trị ước đạt khoảng hơn 30 tỷ đồng. Thị trấn Tân Phong cũng là địa chỉ cung cấp cá giống lớn, có uy tín cho các vùng nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh.
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hiện thị trấn Tân Phong quan tâm hướng dẫn bà con xây dựng và củng cố hạ tầng ao nuôi; đồng thời thường xuyên tổ chức nạo vét kênh mương, nâng cấp trạm bơm, xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ cho sản xuất tại vùng nuôi thủy sản tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản. Thị trấn đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Xương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi và phòng bệnh cho con nuôi; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý, nhất là quản lý môi trường, dịch bệnh để kịp thời khuyến cáo đến người nuôi. Địa phương cũng nghiên cứu xây dựng, chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái nhằm gia tăng giá trị sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất, thân thiện với môi trường và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bài và ảnh: Minh Hà