Việc xây dựng và triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam góp phần đưa các Nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống, đáp ứng đúng và kịp thời yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Sáng 4-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến nghe báo cáo về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam (gọi tắt là Chương trình). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hoá.
Tại điểm cầu Thanh Hóa, đồng chí Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.
Văn hoá cần được quan tâm thực chất, đúng tầm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Bên cạnh các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường,… thì phát triển văn hoá, con người Việt Nam là nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
“Để bảo đảm văn hoá phát triển cùng với kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường…, chúng ta cần xem xét lại quá trình bảo tồn, bảo vệ, phát triển, phát huy các giá trị, tầm quan trọng của văn hoá. Trong thời gian tới cần làm gì để quan tâm thực chất, đúng mức, đúng tầm đối với văn hoá?” – Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Theo Phó Thủ tướng, xây dựng, phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đã được triển khai qua nhiều chương trình, dự án, kế hoạch, chiến lược cho từng nhóm lĩnh vực chuyên ngành như nghệ thuật, di sản, bảo tồn, sân khấu điện ảnh,… Việc thực hiện Chương trình nhằm khắc phục những bất cập lâu nay khi chúng ta nhận thức văn hóa phải đặt ngang bằng kinh tế, chính trị nhưng nguồn lực đầu tư không tương xứng nên không tạo được chiều sâu trong công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tóm tắt về hồ sơ nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045. (Ảnh chụp màn hình).
Hội nghị đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tóm tắt về hồ sơ nhiệm vụ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung quan trọng nhất của Chương trình liên quan đến 9 nhóm dự án, gồm: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đại diện lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã đóng góp nhiều ý kiến về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thuộc Chương trình. Từ đó chỉ ra những vấn đề, lĩnh vực văn hoá cấp bách cần bảo vệ, bảo tồn, duy trì; xác định những gì Chương trình cần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới.
Đại diện Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tham gia ý kiến tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
Lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, đại diện Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam… cũng trao đổi, thống nhất mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thuộc Chương trình. Đồng thời chỉ rõ, Chương trình cần huy động, tập trung nguồn lực đầu tư tương xứng với vai trò, vị trí của ngành văn hóa trong điều kiện phát triển chung của đất nước, hướng tới mục tiêu đầu tư cho văn hóa chính là đầu tư lâu dài cho tương lai.
Bảo đảm xây dựng và triển khai thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Trong mọi giai đoạn, vai trò, vị thế của văn hoá đã được khẳng định, là hồn cốt, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Văn hoá luôn là ngọn đuốc, là ánh sáng soi đường cho mọi cuộc cách mạng. Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế nhằm thay đổi cơ bản của các ngành, các cấp trong nhận thức, quản lý, thực hiện chấn hưng, phát triển văn hoá và xác định rõ vai trò của Nhà nước, xã hội, người dân. Do đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là chương trình tổng thể, đồng bộ, cần được tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).
Phó Thủ tướng nhắc lại một số mục tiêu lớn mang tính cấp bách, ưu tiên trong Chương trình, đó là bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo di sản, giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể đang bị suy giảm, xuống cấp nghiêm trọng, có thể mất đi; xây dựng môi trường, văn hoá bao gồm sản phẩm và hoạt động văn hoá, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hoá, ứng xử văn hoá, nếp sống văn hoá nơi công cộng, tại cơ quan, tổ chức, gia đình, nhà trường…; phát triển các không gian sáng tạo, công nghiệp văn hoá.
Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng của văn hoá. Bộ VHTT&DL với trách nhiệm là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình cần tổ chức lấy ý kiến đóng góp, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng, người dân về nguồn lực, cơ chế cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra; phân công, phân cấp rõ ràng và thực hiện được ngay trong khuôn khổ chính sách, pháp luật hiện hành.
Hoài Anh