Chiều 7/1, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và các doanh nghiệp ngành năng lượng nhằm triển khai Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (BQL KKTNS&CKCN). Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi và các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Trước đó, ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Chỉ thị nhắc tới việc triển khai các dự án nguồn điện còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách nên giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến phát triển nguồn điện chỉ đạt 56,7% so với kế hoạch, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện.
Trong khi đó, với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đặt ra cao hơn rất nhiều so với thời gian qua, như: tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 phấn đấu đạt trên mức 8%; giai đoạn 2026 – 2030 phấn đấu ở mức 2 con số, đòi hỏi nguồn năng lượng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, với dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16% (tương ứng mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 – 10.000 MW).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị. Ảnh: Báo Công Thương.
Đây là thách thức rất lớn, do đó cần phải có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, nhất là các nguồn điện xanh, điện sạch; giảm nguy cơ thiếu nguồn cung điện, nhất là trong thời gian từ năm 2026 đến năm 2028.
Tại Thanh Hóa, Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình năng lượng trọng điểm của quốc gia. Dự án được quy hoạch khu vực phía nam của KKTNS, với quy mô hơn 68ha, với tổng mức đầu tư hơn 2,4 tỷ USD.
Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3/2024, đã phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 30/7/2024 và dự kiến ngày 30/9/2024 mở thầu và lựa chọn được nhà đầu tư vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, quy trình thực hiện dự án gặp một số vướng mắc dẫn tới đang dừng thủ tục đấu thầu để thực hiện lại theo quy định pháp luật mới của Nghị định số 115/2024/NĐ-CP của Chính phủ Quy định ban hành ngày 16/9/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đã báo cáo Bộ Công Thương các vướng mắc cụ thể và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa hiện đang tích cực chỉ đạo BQL KKTNS&CKCN phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện lại hồ sơ mời thầu và dự kiến phê duyệt lại trước ngày 15/1 (trước thời điểm Luật điện lực số 61/2024/QH15 có hiệu lực vào ngày 1/2/2025).
Trường hợp lựa chọn nhà thầu trước thời gian này, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Công Thương sớm có ý kiến thống nhất về cách xác định mức trần giá phát điện làm cơ sở để bên mời thầu tính toán giá trần phát điện của Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn và phê duyệt hồ sơ mời thầu theo đề nghị của BQL KKTNS&CKCN; đồng thời có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho ý kiến sớm về nguyên tắc xây dựng mức trần giá điện và các nội dung dự thảo hợp đồng mua bán điện của Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Trường hợp không thể ban hành hồ sơ mời thầu trước ngày 15/1, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ và các cơ quan ban hành Nghị định và Thông tư hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu, các văn bản hướng dẫn để tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các bước, sớm triển khai thành công Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn, cung ứng thêm nguồn năng lượng cho đất nước.
Bộ Công Thương đã tổng hợp kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và các ý kiến, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp tại hội nghị, làm cơ sở xem xét, đưa ra các giải pháp hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các dự án năng lượng mới.
Bộ Công Thương cũng sẽ sửa đổi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) trước 28/2; đồng thời bổ sung một số dự án cấp bách vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII để làm cơ sở triển khai thực hiện, thúc đẩy triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án điện khí.
Minh Hằng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thao-go-vuong-mac-trien-khai-cac-du-an-nang-luong-trong-diem-dap-ung-nhu-cau-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-236161.htm