Ngày 23/4, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc gia với chủ đề “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành cùng các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, Liên minh HTX, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.
Tính đến hết năm 2023, cả nước có trên 30.000 HTX, 137 Liên minh HTX và trên 71.000 tổ hợp tác. Trong đó có trên 20.000 HTX nông nghiệp và gần 10.000 HTX phi nông nghiệp. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX là một trong những khu vực kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Bám sát chủ trương, các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, Ngân hàng Nhà nước đã xác định khu vực kinh tế tập thể nói chung, kinh tế HTX nói riêng là một trong những đối tượng được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng và triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.
Tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay đối với HTX, liên minh HTX đạt 6.043 tỷ đồng với gần 1.200 HTX, liên minh HTX. Dư nợ chủ yếu tập trung tại khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng 79%; tín dụng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 17,42%…
Nhiều HTX đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên.
Thông qua nguồn vốn được vay, các HTX đã đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, nâng cao rõ rệt hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhiều HTX dùng nguồn vốn tổ chức các hoạt động phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao, tăng giá trị thương mại, HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại Thanh Hóa, ngoài nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tính đến đầu tháng 4/2024 toàn tỉnh có hơn 190 dự án, phương án của các HTX được tiếp cận Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã Thanh Hóa với tổng số tiền giải ngân gần 70 tỷ đồng…
Tuy nhiên, kết quả triển khai các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn; hiệu quả triển khai thực hiện chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận vốn của các tổ chức kinh tế tập thể; số HTX tiếp cận được nguồn vốn còn thấp.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thanh Hóa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đưa ra giải pháp trên từng lĩnh vực để tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể thời gian tới, như: Giải pháp củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tình hình hoạt động của HTX, Liên minh HTX, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, vướng mắc trong hoạt động và tiếp cận vốn tín dụng. Việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Chính sách hỗ trợ của nhà nước và giải pháp nâng cao khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Các địa phương đề nghị các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng với hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng vào cuộc, đồng hành, tháo gỡ khó khăn về vốn cho kinh tế tập thể, HTX…
Khánh Phương