5 năm nhìn lại
Có dịp đến với những xã vùng cao Thanh Hóa hôm nay, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy sự thay da đổi thịt ở các bản làng vùng DTTS. Những con đường đất gập ghềnh ngày nào, giờ được thay thế bởi đường bê tông phẳng lì, những ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, trường học và trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang. Đây chính thành quả từ thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng DTTS và miền núi trong nhiều năm qua, là minh chứng sống động cho việc thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2019-2024.
Minh chứng như huyện miền núi Bá Thước, một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá và 74 huyện nghèo của cả nước, nhờ triển khai các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng DTTS, những năm qua, đời sống kinh tế-xã hội các thôn bản đã thay đổi mạnh mẽ.
Để có kết quả này, huyện Bá Thước đã tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Theo đó, huyện đã vận động người dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất đến người dân một cách kịp thời.
Nhờ đó, đã có hàng nghìn hộ gia đình là người DTTS trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn để mua cây giống, phân bón, xây dựng các mô hình sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống.
Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ gia đình nghèo là người DTTS đã xây dựng thành công hàng chục mô hình giảm nghèo, như: Mô hình nuôi bò sinh sản tại các xã Điền Quang, Ái Thượng; mô hình trồng rau an toàn tại các xã Điền Lư, Thành Lâm, Lũng Cao; mô hình trồng rừng, kết hợp chăn nuôi tại các xã Thành Sơn, Cổ Lũng, Thiết Ống…
Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 17,58% (giảm 6,28%), tỷ lệ hộ cận nghèo 17,58% (giảm 8,35%). Toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 2.000 người, đạt 100% kế hoạch năm.
“Những giải pháp thiết thực hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, giúp đồng bào DTTS miền núi xoá đói giảm nghèo. Hiện nay, huyện đang vận dụng tối đa các nguồn lực để phát triển, mục tiêu đến 2025 ra khỏi huyện nghèo”, ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho hay
Mở ra kỳ vọng mới
Tương tự tại các huyện biên giới như Mường Lát, Quan Sơn, các huyện nghèo khác như Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân…, những dấu ấn của các chương trình, chính sách như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách đầu tư khác đối với vùng DTTS miền núi đã mang lại kết quả ấn tượng.
Trong 5 năm qua, các chỉ tiêu trong lĩnh vực phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biết rõ rệt. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng DTTS giảm từ 15,19% xuống còn 11,04%, đạt kế hoạch giảm trung bình 3% mỗi năm. Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS cũng giảm đáng kể, từ 19,86% xuống 14,75%.
Không chỉ dừng lại ở việc nâng cao đời sống vật chất, mà chất lượng đời sống tinh thần của đồng bào cũng ngày càng được chú trọng. Tỷ lệ người dân được tiếp cận với điện lưới quốc gia đạt 100%, cùng với tỷ lệ phổ cập truyền hình, phát thanh, đảm bảo nhu cầu giải trí, nắm bắt thông tin của người dân. Hệ thống y tế cũng đã vươn tới tận các thôn bản xa xôi, với 100% các trạm y tế được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản cho người dân.
Trong lĩnh vực giáo dục, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cũng đạt kết quả đáng khích lệ: 99,1% người dân trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ, và 95% học sinh trong độ tuổi trung học phổ thông đến trường.
Những thành tựu đạt được trong 5 năm qua là minh chứng rõ về sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đồng bào các DTTS, minh chứng cho những tác động tích cực của các chính sách dân tộc.
Tiếp nối thành công từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III của tỉnh Thanh Hóa vào năm 2019, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV tổ chức trong tháng 11/2024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững,” dự kiến sẽ mở ra những bước tiến đột phá trong công tác dân tộc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội sẽ tiếp tục hướng đến việc khai thác triệt để các tiềm năng vốn có của vùng núi, như du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch, và thủ công mỹ nghệ. Đại hội cũng sẽ đề ra mục tiêu đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nhân lực người DTTS để xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ khả năng, trình độ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập.
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội sẽ tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ công cơ bản, đồng thời các dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện lưới, nước sạch sẽ được mở rộng hơn nữa.
Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đại hội lần IV cũng dự kiến đặt ra mục tiêu đến năm 2029, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi đạt bằng 50% so với mức thu nhập bình quân toàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10% và đặc biệt là đạt mục tiêu không còn xã nào thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Các cấp chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa cũng đang kỳ vọng, với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi, thì những mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2024-2029 chắc chắn sẽ hoàn thành.
Nỗ lực giảm nghèo bền vững tại các huyện miền núi xứ Thanh