Thời gian qua, công tác phát triển đô thị đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Tỉnh cũng huy động các nguồn lực tham gia vào công tác phát triển đô thị nhằm nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quản theo hướng hiện đại, văn minh.
Đô thị TP Thanh Hóa ngày càng phát triển hiện đại.
Với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học – kỹ thuật của tỉnh, cấp ủy, chính quyền TP Thanh Hóa đã thường xuyên quan tâm đẩy mạnh phát triển các khu đô thị mới hiện đại, với hạ tầng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nhà ở và nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân.
Để có định hướng về phát triển không gian quy hoạch đô thị TP Thanh Hóa hiện đại, HĐND TP Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết 243 ngày 19/10/2023 về chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trong đó xác định phát triển đô thị TP Thanh Hóa được chia làm 12 khu vực với những chức năng cụ thể nhằm phát triển khu vực đô thị vùng lõi trung tâm và phát triển các khu đô thị mới chất lượng cao gắn với xây dựng khu vực bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên… Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa xác định quan tâm công tác đầu tư, xây dựng mới và phát triển thành phố văn minh, hiện đại, xứng tầm là đô thị loại I.
Giám đốc Sở Xây dựng Phan Lê Quang cho biết: Việc quy hoạch đô thị đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa gắn liền với đô thị hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đến quy hoạch phát triển đô thị. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 34 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I; 2 đô thị loại III; 1 đô thị loại IV, 30 đô thị loại V.
Hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa được phát triển trên cơ sở phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, gồm: Trung tâm động lực TP Thanh Hóa – TP Sầm Sơn với phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa; phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn) với mục tiêu phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển Nghi Sơn. Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành – Bỉm Sơn) tập trung phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến, chế tạo; chế biến nông, lâm sản, dược phẩm, da giày, dịch vụ, du lịch. Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn – Sao Vàng) với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao; du lịch di sản.
Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu kinh tế tổng hợp ven biển và cửa khẩu nhằm khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tạo ra các động lực, cực tăng trưởng chủ đạo hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia có sức cạnh tranh và sự lan tỏa trong cả nước và khu vực.
Nghị quyết số 471/NQ-HĐND ngày 14/12/2023 về Chương trình phát triển đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, đã nêu quan điểm là: Chương trình phát triển đô thị phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị được duyệt. Huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào công tác phát triển đô thị; phát huy thế mạnh của khoa học – công nghệ trong nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị; xác định khu vực phát triển đô thị, danh mục dự án đầu tư làm cơ sở để huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dụng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững… đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dụng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bài và ảnh: Minh Hiếu